Thu hái, sơ chế:
Đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cắt đầu chồi thừa 3 mm, tách riêng từng rễ, phân loại to nhỏ. Phơi hoặc sấy ở 50 – 60oC đến gần khô. Đem ủ 5 – 10 ngày đến khi trong ruột có màu đen hoặc nâu đen, rồi tiếp tục phơi đến khô.
Phần dùng làm thuốc: Rễ.
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Huyền sâm là rễ vẫn gọi là củ khô, hình trụ, chính giữa phình lớn, phía dưới thuôn nhỏ lần, ở phía trước gốc có cổ hẹp lại, phía trên có nuốm phình lớn, rễ dài từ 12-15cm, rộng chừng 21mm, 25mm, mặt ngoài biểu hiện màu nâu đất, có nếp nhăn sâu rõ ràng và các bì khổng dài ngang màu đất sét, nếp nhăn nằm ngang tương đối ít, có khi cũng có thể thấy sẹo của nhánh rễ bị đứt ngang, chất cứng dẻo, khó bẻ gãy, mặt cắt ngang mềm màu đen nhiều thịt, đầu ướt như keo khói đèn hoặc Thục địa, ở chính giữa hơi biểu hiện dạng xơ, phía ngoài cùng có lớp bần mỏng, phía trong có nhiều vân tỏa ra (bó libe gỗ). Bột màu đen, nhạt, vị hơi ngọt mặn
Bảo quản: Dễ mốc trắng, để nơi khô ráo, đậy kín, dưới có lót vôi sống. Hay đem phơi nắng.
Thành phần hóa học:
Thân rễ chứa harpagid, chất này không bến vững, dễ bị chuyển hoá thành dẫn xuất màu đen. Còn có scrophularin, asparagin, phytosterol, tinh dầu, acid béo, chất đường.
Tính vị: Vị đắng ngọt, tính mát.
Quy kinh: Vào hai kinh Phế, Thận.
Tác dụng của Huyền sâm:
Tư âm, giáng hỏa, giải độc hòa ban, thanh hầu chỉ thống, nhuyễn kiên tán kết, giải khát trừ phiền, nhuận táo hoạt trường.
Công dụng:
Thường dùng làm thuốc chữa sốt nóng, nóng âm ỉ, sốt về chiều, khát nước, chống viêm, điều trị bệnh tinh hồng nhiệt, viêm họng, viêm thanh quản, viêm miệng, viêm lợi, viêm kết mạc. Còn được dùng trị táo bón, mụn nhọt, lở loét.
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng kháng khuẩn: In vitro, nước sắc Huyền sâm có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với Pseudomonas aeruginosa (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: Nước sắc Huyền sâm có tác dụng tăng huyết áp, đặc biệt trong huyết áp cao do thận. Hiệu quả này có lẽ do tác dụng co mạch (Chinese Herbal Medicine).
+ Nước sắc Huyền sâm có tác dụng an thần, chống co giật, giải nhiệt (Trung Dược Học).
+ Nước sắc Huyền sâm có tác dụng cường tim nhẹ (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Nước sắc Huyền sâm có tác dụng gĩan mạch, hạ áp (Hồng Duy Quế, Triết Giang Y Học 1981 (1): 11).
+ Cồn chiết xuất Huyền sâm có tác dụng làm tăng lưu lượng máu của mạch vành, làm cho sức chịu đựng trạng thái thiếu Oxy của tim được tốt hơn (Kinh Lợi Bân (Quốc Lập Bắc Bình Nghiên Cứu Viện Sinh Lý Sở trung Văn Báo Cáo 1936, 3 (1): 1).
+ Nước sắc Huyền sâm có tác dụng hạ nhiệt tốt (Won S W, C A 1965, 62: 9631).
Liều dùng: 12 – 20g.
Bài thuốc có Huyền sâm:
+ Chữa viêm amygdal, viêm cổ họng, ho: Huyền sâm 10g, Cam thảo 3g, Cát cánh 5g, Mạch môn 8g, Thăng ma 3g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3-4 lần uống trong ngày (hoặc ngậm và súc miệng).
+ Chữa các bệnh viêm não cấp, sốt xuất huyết, sốt phát ban, sốt đỏ da, sốt, bại liệt ở trẻ em cùng các chứng sốt cao co giật, sốt cơn, mê sảng, táo bón, khô khát (mất nước), sưng họng viêm phổi: Huyền sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Hạt muồng sao, mỗi vị 20g, Dành dành 12g, sắc uống ngày một thang.
+ Chữa viêm tắc mạch máu ở chân tay: Huyền sâm 24g, Đương quy, Cam thảo dây, Huyết giác, Ngưu tất đều 10g sắc uống.
+ Chữa huyết áp cao, nhức đầu chóng mặt, ù tai, đau mắt khó ngủ, xuất huyết dạng thấp, chảy máu dưới da, trẻ em chảy máu mũi, hấp nóng, mồ hôi trộm, đau cơ, rút gân, nhức nhối, đại tiện ra máu: Huyền sâm 16g, Muồng sao 12g, Trắc bá sao, Kim anh, Hoa Hòe sao, Ngưu tất, Mạch môn đều 10g, sắc uống.
+ Chữa viêm hạch, lao hạch, nổi hạch ở cổ, ở vú và lao màng bụng nổi cục: Huyền sâm 20g, Nghệ đen, Rễ quạt, Bồ công anh, Mộc thông đều 10g, sắc uống.
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn, tiêu hóa rối loạn không dùng. Không dùng chung với Lê lô.
Chú ý:
Không dùng Huyền sâm đối với người có huyết áp thấp hoặc tạng hàn tiêu chảy. Cần uống thuốc lúc còn ấm, không uống thuốc nguội dễ bị tiêu chảy. Trong khi uống thuốc, kiêng các thứ đắng lạnh như mướp đắng, ốc, hến.