Trong xã hội của chúng ta, có không ít người không ngại khó khăn, vất vả, hết lòng vì những bệnh nhân ung thư. Với họ, việc chia sẻ phần nào những nỗi đau cả thể xác và tinh thần với người bệnh chính là hạnh phúc.
Lớp học đặc biệt
Gắn bó với lớp học tình thương tại Bệnh viện Ung bướu TP. HCM suốt 7 năm qua, cô Đinh Thị Kim Phấn đã mang đến biết bao nụ cười, niềm vui cho các em nhỏ.
Với sự giúp sức của các tình nguyện viên, lớp học đặc biệt dành cho bệnh nhân ung thư được đều đặn mở khoảng 2 giờ mỗi chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hằng tuần tại một phòng bệnh cũ của Khoa Nội III. Những ngày đầu, mục tiêu của lớp chỉ là giúp các bé biết đọc, biết viết tên mình, dần dần các em theo học thời gian dài nên hình thành thêm các lớp cấp 2.
Trong căn phòng rộng chưa tới 30m2, một bên các bệnh nhi làm toán, bên còn lại ngồi viết văn, ở giữa là thầy cô giáo chấm bài. “Đa phần các cháu đều bị rụng tóc sau những lần hóa trị và xạ trị ung thư nên nhiều người gọi vui đây là “lớp học không tóc”. Nhiều bệnh nhi một năm đến lớp chỉ vài tuần rồi may mắn được xuất viện, có cháu điều trị đến 5-6 năm, nhưng cũng có cháu chưa viết hết một cuốn tập đã qua đời. Điều tôi lo sợ nhất là mỗi cuối tuần đến lớp thấy thiếu vắng bất kỳ một học sinh nào”, cô Phấn nghẹn ngào chia sẻ.
Lớp học thực sự là một gia đình khác của các em, nhiều khi tình nguyện viên đến dạy còn đông hơn học sinh. Bất kể thời tiết nắng mưa, các tình nguyện viên cố gắng sắp xếp công việc, miệt mài đến lớp, thắp lên niềm tin về một tương lai tươi sáng cho bệnh nhi ung thư, các em sẽ được khỏe mạnh đến trường như bao bạn nhỏ khác. Tuy nhiên, nhiều khi học sinh ở đây đến lớp nửa chừng rồi phải trở về giường bệnh vì cơn đau bất ngờ ập đến. Có nhiều em dù tay đang truyền dịch hay không ăn được vẫn cẩn thận gò từng nét chữ, kiên nhẫn ngồi nghe cô giảng bài, nhất định không chịu nghỉ học.
Chuyên tâm ngồi giải các bài toán, em Lưu Tấn Phát, 9 tuổi – một bệnh nhân ung thư máu đến từ An Giang cho biết mình đã theo học được 2 năm. Thỉnh thoảng, Phát cũng được bác sĩ cho về quê chơi nhưng cũng chỉ được 2 tuần rồi phải lên để tiếp tục điều trị. “Các cô dạy chữ và toán cho con. Học xong, con được vui chơi, nhảy múa và thỉnh thoảng lại có quà nữa. Được lên lớp thế này, con vui lắm mà lại thấy khỏe ra nữa”, Phát hào hứng cho biết.
“Salon tóc” luôn đông khách
Cũng tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, bà Bùi Thị Nhiệm đã âm thầm cắt tóc, gội đầu miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư trong suốt 17 năm qua.
Tay cầm hộp đồ nghề đơn giản: một chiếc lược nhỏ cũ sờn, một cây kéo, một cái tông-đơ và một chai dầu gội, bà Nhiệm len lỏi khắp khu vực hành lang Khoa Nội 4, cất lời mời: “Ai cắt tóc, gội đầu không?”, “Cắt tóc, gội đầu miễn phí đây, mọi người ơi…”. Chẳng mấy chốc, “salon tóc” của bà đã có hàng chục khách đến ngồi đợi sẵn. Với đôi tay thoăn thoắt, bà Nhiệm lấy chiếc khăn nhỏ choàng qua người bệnh nhân rồi một tay cầm kéo, một tay cầm lược, cẩn thận cắt tỉa tóc cho từng người.
Trong quãng thời gian chăm sóc chồng bị ung thư nằm ở Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, bà Nhiệm thấu hiểu những khó khăn trong sinh hoạt cá nhân cũng như nỗi đau thể xác mà người bệnh phải chịu đựng. Bởi vậy nên sau khi chồng qua đời bà bắt đầu mở “salon tóc” miễn phí ngay tại bệnh viện.
Tâm sự về “công việc” của mình, bà Nhiệm xúc động: “Nhìn cảnh bệnh nhân tay run run cầm gương, cầm lược, vừa cắt từng lọn tóc vừa nhăn nhó vì đau đớn, tôi thấy thương lắm. Ngày còn trẻ, tôi có học cắt tóc nên giờ vào đây cắt tóc, gội đầu giúp họ. Người khỏe mạnh thì ra ghế ngoài hành lang nằm gội đầu, ai không đi được thì chúng tôi vào tận phòng làm. Không ít tình nguyện viên là bệnh nhân còn sức khỏe đã cùng tôi giúp đỡ những người yếu hơn. Tôi tâm niệm mình không có tiền nhưng còn khỏe, giúp gì được cho ai thì giúp.”
Hơn 10 năm qua, bếp ăn Hội Từ thiện chùa Bảo Vân trên đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP HCM đã trở thành địa điểm quen thuộc của hàng trăm bệnh nhân ung thư từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.
Theo đại diện Hội Từ thiện chùa Bảo Vân – chị Nguyễn Thị Thu, mỗi ngày, bếp cung cấp khoảng 5.000 suất ăn chay cho bệnh nhân ở các bệnh viện Ung Bướu, Nhi Đồng 1, Chấn thương Chỉnh hình, Bình Dân… Nhờ sự đóng góp của các nhà mạnh thường quân, căn bếp ăn không chỉ được duy trì thường xuyên mà còn giúp đỡ viện phí cho bệnh nhân ung thư không có tiền chữa trị.
Theo Người lao động
-
NƠI MUA
Miền Nam - Hồ Chí Minh
- Bình Dương
- Tiền Giang
- Vĩnh Long
- An Giang
- Bạc Liêu
- Bình Phước
- Cà Mau
- Cần Thơ
- Trà Vinh
- Vũng Tàu
- Đồng Nai
- Tây Ninh
- Đồng Tháp
- Hậu Giang
- Bến Tre
- Long An
- Sóc Trăng
- Kiên Giang