Nấm lim xanh gia truyền THANH-THIẾT-BẢO-SINH
Nấm lim xanh tự nhiên LOẠI NGUYÊN CÂY
CÔNG TY TNHH NẤM LIM XANH VIỆT NAM
Địa chỉ: Tổ 5 - Xã Tiên Hiệp - Tiên Phước - Quảng Nam
0904 522 869 024 3797 0138

Nhục thung dung

Nhục Thung Dung

(Boschniakia glabra)
Tên khác: Tỏa dương, địa mao cầu, nhục tùng dung, thung dung, địa tinh.
Tên khoa học: Boschniakia glabra C. A. Mey. Thuộc Họ khoa học Lệ Dương (Orobanchaceae).
Mô tả cây thuốc: 
Nhục thung dung không phải là một loài thực vật thông thường, mà là loài ký sinh, phải sống nhờ vào cây khác. Mùa xuân đến, mầm cây nhục thung dung đâm thủng mặt đất, mọc nhô lên trên, nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ kín lớp lá vẩy màu vàng, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời. Cây thường cao khoảng từ 15-30cm, có khi tới hàng mét. Vào các tháng 5, tháng 6 cây ra hoa dày đặc; hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám. Nhờ có lớp lá vẩy phủ kín toàn bộ bề mặt bên ngoài nên tránh bị mất nước và có thể chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng hoang mạc.
Địa lý: Cây mọc chủ yếu trên núi cao ở các cây to râm mát. Cây có ở Trung Quốc, Nhật Bản, ở Việt Nam chưa thấy có.
Thu hái:

Mùa xuân hoặc mùa thu đều thu hoạch được. Mùa xuân hái về, để trên đất cát phơi khô, gọi là Điềm Đại Vân. Mùa thu hái về, lựa thứ to mập, cho vào thùng muối, qua một năm lấy ra, phơi khô, gọi là Diêm Đại Vân.

Bộ phận dùng: Dùng thân, rễ (Caulis Cistanchis). Củ to mập, mềm, nhiều dầu, ngoài có vẩy mịn, mềm, mầu đen, không mốc là tốt.

Mô tả Dược liệu: 

Vị thuốc Nhục thung dung là thân rễ hình trụ, tròn, dẹp, hơi cong, dài 16 – 33cm, đường kính 2 – 6cm. Mặt ngoài mầu nâu tro hoặc nâu, phủ đầy những lát vẩy, chất thịt béo, dầy, xếp giống như những mảnh ngói chồng lên nhau. Chất mềm, thể nặng. Mặt cắt ngang mầu nâu, có đốm hoa trắng hoặc có kẽ nứt. Mùi nhẹ, vị ngọt. Diêm Đại Vân: Mầu nâu đen, chất mềm. Mặt ngoài có bột muối. Mặt cắt ngang mầu đen. Vị mặn (Dược Tài Học).

Bào chế:

+ Để nguyên củ, đồ chín, phơi hoặc sấy khô hoặc có thể tẩm muối rồi phơi, sấy khô. Khi dùng, rửa sạch, thái lát khoảng 1-2mm, phơi khô. Có thể đồ mềm cho dễ thái (Dược Liệu Việt Nam).

+ Thái phiến, trộn ngâm với rượu, bổ bỏ lõi trắng nếu có, đồ hoặc hấp để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Nhục thung dung: Lấy Điềm Đại Vân, bỏ tạp chất, ngâm nước hoặc lấy Diêm Đại Vân cho vào nước rửa sạch phần muối, vớt ra, sau khi thấm mềm đều, cắt dọc thành lát, phơi khô (Dược Tài Học).

Tính vị:

+ Vị ngọt, hơi ôn (Bản Kinh).

+ Vị chua, mặn, không độc (Danh Y Biệt Lục).

+ Vị ngọt, mặn, hơi cay, chua, tính hơi ôn (Cảnh Nhạc Toàn Thư).

+ Vị ngọt, mặn, tính ôn (Trung Dược Học).

+ Vị ngọt, mặn, chua, tính hơi ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Vị ngọt, chua, mặn, tính ấm (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Quy kinh:

+ Vào kinh Thận, Tâm bào lạc, Mệnh môn (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Vào kinh túc Quyết âm Can kinh, túc Thiếu âm Thận kinh, thủ Dương minh Đại trường kinh (Bản Thảo Kinh Giải).

+ Vào kinh Thận, Đại trường (Trung Dược Học).

+ Vào kinh Can, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tác dụng của Nhục thung dung:

+ Ích tinh, kéo dài tuổi thọ, đại bổ, tráng dương, trị đàn bà băng huyết (Dược Tính Bản Thảo).

+ Bổ Mệnh môn tướng hỏa, tư nhuận ngũ tạng, ích tủy cân, hoạt đại tiện (Bản Thảo Bị Yếu).

+ Nhuận ngü tạng, trưởng cơ nhục, ấm lưng gối (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận trường, thông tiện (Trung Dược Học).

+ Tư bổ Thận dương, thông nhuận đường ruột (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

+ Trị 5 chứng lao, 7 chứng thương tổn, bổ trung, dưỡng ngü tạng, cường âm, ích tinh khí, sinh nhiều con, trị chứng trưng hà, làm khỏe người (nếu uống lâu dài) (Bản Kinh) trị các chứng nam tử tuyệt dương bất hứng, nữ tử tuyệt âm bất sản, nam tử tiết tinh, niệu huyết di lịch, nữ tử đái hạ âm thống (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Trị ngũ lao thất thường, tuyệt dương bất hứng, tuyệt âm bất sản, yêu tất lãnh thống, băng đới, di tinh (Bản Thảo Bị Yếu).

+ Trị liệt dương, vô sinh, táo bón (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Kiêng kỵ:

+ Vị thuốc kỵ sắt (Bản Thảo Mông Thuyên).

+ Tiêu chảy: không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Thận và Mệnh môn có hỏa uất, bàng quang có thấp nhiệt, dương vật cương cứng, tinh quan không vững: không dùng (Bản Thảo Hối Ngôn).

+ Vị trường hư yếu: không dùng (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+ Tỳ hư, thận hỏa vượng: không dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trong thận có nhiệt, dương sự dễ cương mà tinh không bền: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Bài thuốc có Nhục thung dung:

+ Nhục thung dung 250g, sơn dược 100g. Sao nhỏ lửa cho khô giòn, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 6g, uống với mật ong. Dùng cho các trường hợp tiểu dắt, di niệu.

+ Nhục thung dung 30g, rượu trắng 500ml. Ngâm 7 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén con. Dùng cho các trường hợp thận hư liệt dương.

+ Nhục thung dung 24g, hoạt ma nhân 12g, trầm hương 20g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12 – 20g, uống với nước. Dùng trong trường hợp tân dịch hao tổn sinh ra đại tiểu tiện bí.

+ Nhục thung dung 16g, viễn chí 6g, sà sàng tử 12g, ngũ vị tử 6g, ba kích thiên 12g, thỏ ty tử 12g, đỗ trọng 12g, phụ tử 12g, phòng phong 12g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12 – 20g, chiêu với rượu ấm hoặc nước muối. Dùng trong trường hợp thận hư, liệt dương, lưng và gối đau buốt.

Nguồn:
Dược sĩ tư vấn
Dược sỹ Dung 0904 522 869 Dược sỹ Hoa 024 3797 0138
Exit mobile version