Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân thường gặp sai lầm khi tự ý điều trị sốt xuất huyết, chỉ đến khi người bắt đầu li bì, mệt mỏi mới nhập viện thì bệnh đã nặng hơn.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang bước vào giai đoạn bùng phát dịch sốt xuất huyết, trong đó, thủ đô Hà Nội đang là điểm nóng của căn bệnh này. Số lượng bệnh nhân đang gia tăng cực nhanh ở cả trẻ em và người lớn khiến đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế phải “căng mình” để chống dịch một cách vất vả.
Cả người lớn và trẻ em đều quay cuồng vì sốt xuất huyết
Số lượng người bệnh mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tăng một cách kỷ lục, đỉnh điểm lên đến 2.3000 ca mắc mới trong một tuần. Hiện tại, tổng số bệnh nhân nhiễm virus Dengue đã lên tới xấp xỉ 9000 trường hợp, trong đó đã có 7 bệnh nhân tử vong.
Bệnh viện Thanh Nhàn là nơi tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân từ hai điểm sốt xuất huyết nóng của Hà Nội là quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng. Mỗi ngày, có tới 300 bệnh nhân đến khám do sốt xuất huyết. Hiện tại, có 500 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết nội trú tại bệnh viện. Do số lượng người bệnh nhập viện tăng quá nhanh nên bệnh viện đã phải huy động mọi nguồn lực để có thể bổ sung thêm giường bệnh cũng như dành riêng một khu khám và điều trị để thu dung người bệnh.
Tương tự như vậy, Tiến sĩ – Bác sĩ – Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình có khoảng 100 bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết mỗi ngày. Chỉ riêng ngày 29/7, có đến 200 người tới khám, mà chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động và thậm chí là bà bầu. Đặc biệt, có một số gia đình có cả hai vợ chồng, ông bà đều mắc bệnh. Vì quá đông bệnh nhân nên đội ngũ bác sĩ đã tư vấn rất cặn kẽ cho các ca bệnh nhẹ có thể tự theo dõi và điều trị sốt xuất huyết tại nhà cũng như hẹn lịch tái khám.
ThS.Bs Nguyễn Thành Nam – Phụ trách Khoa Nhi thuộc Bệnh viện bạch Mai cũng cho biết, mỗi ngày có đến 50 bệnh nhi tới khám do sốt xuất huyết và có khoảng 2 – 5 trẻ phải nhập viện để điều trị. Ngày 3/8, khoa Nhi tiếp nhận một trẻ 13 tuổi bị tràn dịch màng phổi do sốt xuất huyết.
Khoa Nội Nhi tổng hợp thuộc Bệnh viện E Trung ương cũng trong tình trạng tương tự, TS.BS Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp chia sẻ, có những ngày cao điểm, có tới 6 bệnh nhi bị sốt xuất huyết trong đêm. Đến thời điểm hiện tại, khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết. Trong đó có một bé bị mắc bệnh ở thể nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động.
Đội ngũ bác sĩ đã phải điều trị rất tích cực để chống sốc cho bệnh nhi. Mặc dù bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch nhưng lại xuất hiện hiện tượng thoát huyết tương dẫn đến tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ ở khoa Nhi đã căng mình để túc trực và theo dõi bệnh nhân sát sao 24/24h đồng thời áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Tới ngày thứ 8, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục và ăn, ngủ tốt hơn đồng thời cắt sốt, giảm tràn dịch màng bụng, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.
Tự điều trị sốt xuất huyết khiến bệnh nặng thêm
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân thường gặp sai lầm khi tự ý điều trị sốt xuất huyết, chỉ đến khi người bắt đầu li bì, mệt mỏi mới nhập viện thì bệnh đã nặng hơn. Một trong những trường hợp điển hình là bệnh nhân Tạ Quang B (Hoàng Mai, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo các bác sĩ, anh B. tự uống thuốc kháng sinh và hạ sốt, kết quả phải nhập viện cấp cứu với triệu chứng xuất huyết chân răng, men gan cao bất thường, tiểu cầu giảm,…
Theo TS.BS Đỗ Duy Cường thời gian vừa qua, đội ngũ bác sĩ đã gặp khá nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện trong tình trạng bệnh trở nặng, có những ca bệnh bị suy thận và tổn thương gan do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết như: Tự ý uống thuốc hạ sốt một cách dồn dập, uống thuốc aspirin và ibuprofen để hạ sốt dẫn đến hiện tượng chảy máu trầm trọng, thậm chí là xuất huyết dạ dày dữ dội, đe doạ đến tính mạng; Truyền dịch tại nhà có thể dẫn tới phù nề, suy hô hấp; Dùng kháng sinh trị sốt xuất huyết.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo, việc tự ý truyền dịch khi bị sốt xuất huyết là vô cùng nguy hiểm, bệnh nhân cần lưu ý chỉ truyền dịch khi được bác sĩ chỉ định và phải truyền ở cơ sở y tế. “Sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp…”.
Đối với trẻ nhỏ,bác sĩ Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ, một số trường hợp do cha mẹ lo lắng quá nên cho con uống thuốc hạ sốt bằng paracetamol một cách dồn dập rồi lại dùng inbuprofen khiến trẻ phải nhập viện để cấp cứu. Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ chủ quan nên để con sốt tới 3 đến 4 ngày mới đưa đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, tiểu cầu giảm mạnh, bị xuất huyết chân răng, mũi.
Theo TS. Lương Thị Thu Hiền, bệnh sốt xuất huyết đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Do vậy, các bậc phụ huynh nên quan tâm sát sao tới sức khoẻ của con mình, nếu có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể, cần nhận biết đúng bệnh và đi khám, điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và điều trị sốt xuất huyết kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hại như sốc, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não, truỵ tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Theo Sức khoẻ & Đời sống
-
NƠI MUA
Miền Nam - Hồ Chí Minh
- Bình Dương
- Tiền Giang
- Vĩnh Long
- An Giang
- Bạc Liêu
- Bình Phước
- Cà Mau
- Cần Thơ
- Trà Vinh
- Vũng Tàu
- Đồng Nai
- Tây Ninh
- Đồng Tháp
- Hậu Giang
- Bến Tre
- Long An
- Sóc Trăng
- Kiên Giang