Xích Thược
(Paeonia liacliflora Pall)
Tên khoa học: Paeonia liacliflora Pall, Họ Mao Lương (Ranunculaceae)
Mô tả cây thuốc:
Xích thược là cây thảo sống lâu năm, cao 50-80cm, lá mọc so le, chụm hai hay chụm ba, kép, với 9-12 phần phân chia, các đoạn không đều, hình trái xoan ngọn giáo, dài 8-12cm, rộng 2-4 cm mép nguyên, phía cuống hơi hồng. Hoa rất to mọc đơn độc, có mùi hoa Hồng, trên mỗi thân mang hoa có 1-7 hoa, rộng 10-12cm. Đài có 6 phiến, cánh hoa xếp trên một dãy hoặc hai dãy, màu hồng thịt trước khi nở, rồi chuyển dần sang màu trắng tinh; bao phấn màu da cam. Quả gồm 3-5 lá noãn.
Phân bố:
Cây được trồng nơi núi cao, khí hậu mát, mọc dưới những cây bụi hoặc cây to. Cây cũng được trồng làm cảnh. Dược liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Bộ phận dùng: Rễ. Rễ to dài, ngoài sắc nâu xám, trong sắc hồng hoặctrắng, chắc, nhiều bột là tốt.
Cách Bào chế:
+ Theo Trung Y: Ủ mềm thái mỏng (dùng sống). Có thể tẩm rượu hoặc tẩm giấm sao.
+ Theo kinh nghiệm Việt Nam:
– Rửa sạch, ủ cho đến mềm thấu, thái lát, hoặc bào mỏng. Sấy hoặc phơi khô (dùng sống).
– Sau khi bào thái mỏng sấy khô, tẩm rượu 2 giờ rồi sao, hoặc tẩm giấm sao.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, đậy kín, tránh ẩm sinh mốc.
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Xích thược hình trụ hơi cong, dài 5 – 40 cm, đường kính 0,5 – 3 cm. Mặt ngoài màu nâu, thô, có vân nhăn và rãnh dọc, có vết của rễ con và lỗ vỏ nhô lên theo chiều ngang, đôi khi vỏ ngoài dễ bị tróc. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ màu trắng phấn hoặc hồng, vỏ hẹp, gỗ có vân xuyên tâm rõ, đôi khi có khe nứt. Mùi hơi thơm, vị hơi đắng, chua và chát.
Thành phần hoá học: Có tinh bột, chất chát, chất dính, chất đường, sắc tố.
Tính vị: Vị chua, đắng, tính hơi hàn.
Quy kinh: Vào phần huyết của Can kinh.
Tác dụng của Xích thược: Thanh nhiệt lương huyết, điều kinh, thanh can nhiệt, hoạt huyết khứ ứ, giảm đau, giải độc.
Chủ trị, phối hợp:
+ Dùng sống: tán tà, hành huyết. Tẩm rượu sao: thổ huyết, đổ máu cam. Tẩm giấm sao: trị kinh bế, đau bụng.
+ Các bệnh có sốt trong đó nhiệt tà ngoại sinh xâm nhập phần dinh và huyết biểu hiện phát ban, nôn máu, chảy máu cam, chất lưỡi đỏ thẫm: Xích thược phối hợp với Sinh địa hoàng và Mẫu đơn bì.
+ Huyết ứ biểu hiện rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, viêm cấp có sưng nóng đỏ đau do ngoại thương: Xích thược phối hợp với Xuyên khung, Ðương qui, Ðào nhân và Hồng hoa.
+ Mụn nhọt: Xích thược phối hợp với Kim ngân hoa và Liên kiều.
Tác dụng dược lý:
+ Theo Y học cổ truyền: Xích thược có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giải độc tiêu ung chỉ thống.
+ Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, thuốc có tác dụng sau:
– Trên thực nghiệm súc vật thuốc có tác dụng chống co thắt ruột, dạ dày, tử cung (làm giảm đau do co thắt cơ trơn). Thuốc có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn lî, thương hàn, phó thương hàn, coli, khuẩn mủ xanh, trực khuẩn ho gà, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, virut cúm, herpes, virut đường ruột và một số nấm. Thuốc có tác dụng làm giãn động mạch vành, chống ngưng tập tiểu cầu, chống hình thành huyết khối, làm tăng lưu lượng máu cho động mạch vành, chống thiếu máu cơ tim trên thực nghiệm cũng chứng minh thuốc có tác dụng làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa.
Paeoniflorin có tác dụng kháng viêm và hạ sốt.
– Dùng độc vị Xích thược làm tăng nhanh di căn của ung thư, trên thực nghiệm chứng minh Xích thược có tác dụng ức chế mạnh thể dịch và tế bào miễn dịch, nhưng lại nhận thấy cồn chiết xuất Xích thược D lại có tác dụng trực tiếp ức chế tế bào ung thư, có tác dụng gia tăng khả năng của thực bào, nâng cao ngưỡng CAMP của tế bào ung thư. Xích thược dùng phối hợp với một số vị thuốc chống ung thư cũng làm tăng thêm tác dụng chống ung thư của thuốc và không có tác dụng làm tăng di căn.
Liều dùng: Ngày dùng 6 – 12g.
Kiêng ky: Huyết hư, không bị ứ trệ thì kiêng dùng. Không dùng chung với Lê lô.
-
NƠI MUA
Miền Nam - Hồ Chí Minh
- Bình Dương
- Tiền Giang
- Vĩnh Long
- An Giang
- Bạc Liêu
- Bình Phước
- Cà Mau
- Cần Thơ
- Trà Vinh
- Vũng Tàu
- Đồng Nai
- Tây Ninh
- Đồng Tháp
- Hậu Giang
- Bến Tre
- Long An
- Sóc Trăng
- Kiên Giang