Nấm lim xanh gia truyền THANH-THIẾT-BẢO-SINH
Nấm lim xanh tự nhiên LOẠI NGUYÊN CÂY
CÔNG TY TNHH NẤM LIM XANH VIỆT NAM
Địa chỉ: Tổ 5 - Xã Tiên Hiệp - Tiên Phước - Quảng Nam
0904 522 869 024 3797 0138

Xuyên khung

Xuyên Khung

 (Ligusticum wallichii Franch)

Tên khác:

Khung cùng (Bản Kinh), Hương thảo (Ngô Phổ Bản Thảo), Sơn cúc cùng (Tả Truyền), Hồ cùng, Mã hàm khung cùng (Biệt Lục), Tước não khung, Kinh khung (Bản Thảo Đồ Kinh), Quý cùng (Trân Châu Nang), Phủ khung (Đan Khê Tâm Pháp), Đài khung (Bản Thảo Mông Thuyên), Tây khung (Cương Mục), Đỗ khung , Dược cần, Cửu nguyên xuẩn, Xà hưu thảo, Xà ty thảo, Kinh khung (Hòa Hán Dược Khảo), Giả mạc gia (Kim Quang Minh Kinh).

Tên khoa học: Ligusticum wallichii Franch. Thuộc Họ Hoa tán – Umbelliferae (Apiaceae)

Mô tả cây thuốc:

Xuyên khung là 1 loại cây thảo, sống lâu năm. Thân mọc thẳng, giữa ruột rỗng, mặt ngoài có đường gân dọc. Lá mọc so le, kép 2-3 lần, lá chét có 3-5 đôi, cuống dài, phiến lá rách sâu, khi dùng tay vò ra có mùi thơm, cuống lá dài 9- 17cm, phía dưới ôm lấy thân. Hoa họp thành tán kép, cuống tán phụ ngắn chừng 1cm, hoa nhỏ, mầu trắng. Quả loại song bế, hình trứng.
Thu hái: Cây trồng sau 2 năm mới bắt đầu thu hoạch.

Thu hái: Cây trồng sau 2 năm mới bắt đầu thu hoạch.

Phần dùng làm thuốc:

Củ (thân rễ) phơi hay sấy khô của cây Xuyên khung (Rhizoma ligustici Wallichi). Lựa củ to, vỏ ngoài đen vàng, thái lát ra thấy vàng trắng, mùi thơm đặc biệt, không thối nát, chắc, nặng là tốt.

Mô tả Dược liệu:

Vị thuốc Xuyên khung là củ như nắm tay, có mấu không đều, nhăn, đường kính 3-6cm hoặc hơi to. Mặt ngoài mầu nâu vàng, có nhiều mấu vòng tròn hơi lồi, có nhiều vết hình tròn lõm và bướu nhỏ vết của rễ. Chất cứng, vết vỏ không phẳng, mầu trắng xám hoặc trắng ngà, có vằn tròn và chấm điểm đầu nhỏ mầu vàng. Mùi thơm đặc biệt, nồng, vị cay đắng, tê lưỡi (Dược Tài Học).

Bào chế:

+ Lấy Xuyên khung khô ngâm nước 1 giờ, ủ kín độ 12 giờ cho mềm, thái lát dầy 1mm, phơi khô. Xuyên khung ngâm rượu: Thái Xuyên khung ra từng lát mỏng, ngâm với rượu (cứ 640g Xuyên khung, dùng 8 lít rượu), sao với lửa hơi nóng cho hơi đen, lấy ra để nguội (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Ngâm nước rồi gạn đi, ủ lại cho mềm là được, thái phiến, phơi khô, dùng sống hoặc ngâm rượu để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Rửa sạch, ủ 2-3 ngày cho đến khi mềm, củ nào chưa mềm, ủ lại ( không nên đồ vì dễ bị nát, bay hết tinh dầu), thái lát hoặc bào mỏng 1-2 mm, phơi hoặc sấy nhẹ lửa (40-50o), Nếu dùng sống, sau khi thái có thể sao qua cho thơm hoặc phơi khô rồi tẩm rượu 1 đêm, sao sơ (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Bảo quản: Để nơi khô ráo, râm mát.

Tính vị :

+ Vị cay, tính ấm (Bản Kinh).

+ “Hoàng Đế, Kỳ Bá, Lôi Công: vị chua, không độc. Lý Cảo: Tính ôn, nhiệt, hàn” (Ngô Phổ Bản Thảo).

+ Vị đắng, cay (Đường Bản Thảo).

+ Vị cay, hơi ngọt, khí ấm (Bản Thảo Chính).

+ Vị cay, tính ấm (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

Quy kinh :

+ Vào kinh Can, Đởm (Trung Dược Học).

+ Vào kinh thủ Quyết âm Tâm bào, túc Quyết âm Can và thủ Thiếu dương Tiểu trường, túc Thiếu dương Đởm (Thang Dịch Bản Thảo).

+ Vào kinh Can, Tỳ và Tam tiêu (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+ Vào kinh Can, Đởm, Tâm bào (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

Tác dụng của Xuyên khung:

+ Ôn trung nội hàn (Biệt lục).

+ Bổ huyết (Y Học Khải Nguyên).

+ Sấu Can khí, bổ Can huyết, nhuận Can táo, bổ phong hư (Thang Dịch Bản Thảo).

+ Nhuận táo, chỉ tả lỵ, hành khí, khai uất (Cương Mục).

+ Điều hòa mạch , phá trưng kết, súc huyết, tiêu huyết ứ ( Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Hành khí, khai uất, khứ phong, táo thấp, hoạt huyết, chỉ thống (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Hoạt huyết, hành khí, khứ phong, chỉ thống (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

+ Hoạt huyết, hành khí, khu phong, chỉ thống ( Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Chủ trị :

+ Trị đầu đau do phong hàn nhập vào não, đau nhức do hàn, khớp bị đau, co rút, phụ nữ huyết bị bế, không con ( Bản Kinh ).

+ Trị các chứng hàn khí, ngực bụng đau, trúng ác khí, thình lình bị sưng đau, hông sườn đau, chân răng ra máu ( Biệt lục ).

+ Trị lưng đùi mỏi yếu, bán thân bất toại, nhau thai không ra, bụng đau do lạnh (Dược Tính Luận).

+ Trị phong hàn, đầu đau, chóng mặt, hông sườn đau, bụng đau, đau nhức do hàn , kinh bế, sinh khó, sinh xong huyết bị ứ gây đau, mụn nhọt (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Trị Can kinh bất điều , kinh bế, hành kinh bụng đau, trưng hà, bụng đau,ngực sườn đau như kim đâm, té ngã sưng đau, đầu đau, phong thấp đau nhức ( Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Điển ) .

+ Trị kinh nguyệt rối loạn, kinh bế, hành kinh bụng đau, sinh khó, sau khi sinh bụng đau, ngực sườn đau tức, tay chân tê dại, mụn nhọt đau nhức, chấn thương té ngã, đầu đau, phong thấp tý (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Liều dùng : 4 – 8g .

Kiêng kỵ :

+ Bệnh thượng thực hạ hư, âm hư hỏa vượng, nôn mửa, ho, mồ hôi tự ra, mồ hôi trộm, họng khô, miệng khô, phát sốt, phát khát, phiền táo, không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Khí thăng, đờm suyễn, không dùng ( Bản Thảo Tùng Tân ).

+ Bụng đầy, Tỳ hư, ăn ít, hỏa uất , không dùng ( Đắc Phối Bản Thảo ).

+ Uống Xuyên khung lâu ngày làm mất chân khí ( Phẩm Hối Tinh Nghĩa ).

+ Xuyên khung sợ vị Hoàng kỳ, Sơn thù, Lang độc ; Ghét vị Tiêu thạch, Hoạt thạch, Hoàng liên ; Phản vị Lê lô ( Bản Thảo Mông Thuyên ).

+ Hợp với Bạch chỉ làm thuốc dẫn, sợ vị Hoàng liên ( Bản Thảo Kinh Tập Chú ).

+ Âm hư hỏa vượng , thượng thực hạ hư mà khí hư, không dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).

Nguồn:
Dược sĩ tư vấn
Dược sỹ Dung 0904 522 869 Dược sỹ Hoa 024 3797 0138
Exit mobile version