Sau 5 năm phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối, bác sĩ Đỗ Quốc Hùng (Viện Tim mạch Quốc gia Hà Nội) vẫn sống khỏe, làm việc, trồng hoa, nấu cơm bình thường.
Dù bị căn bệnh ung thư phổi hành hạ đau đớn và phải trải qua nhiều liệu trình điều trị, thế nhưng PGS Đỗ Quốc Hùng (nguyên trưởng phòng C7, Viện Tim mạch Quốc gia) đã khiến nhiều người kinh ngạc, đó là sống sót khỏe mạnh sau gần 5 năm phát hiện bệnh.
Ung thư phổi là một căn bệnh ác tính với khả năng sống sót rất thấp. Diễn biến của bệnh phát triển âm thầm, ít hoặc không có triệu chứng nên người bệnh thường chủ quan. Bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ sống sót lên tới 70%, nếu được phẫu thuật ở giai đoạn sớm thì sau 5 năm, tỷ lệ sống sót có thể đạt 40-50%. Tuy nhiên khi mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, không còn khả năng phẫu thuật thì chỉ sau 6 tháng đến 1 năm, tỷ lệ tử vong lên tới 90%.
Trong 5 năm phát hiện bệnh, bác sĩ Hùng đã phải trải qua nhiều lần điều trị hóa chất, 36 liều xạ trị, có tới 3 lần ung thư tái phát. Có lần, khối u di căn vào xương chậu khiến ông đau đớn, không thể đi lại và phải ngồi xe lăn. Nguy hiểm nhất là thời điểm khối u di căn lên não. Thế nhưng ở tuổi 62, bác sĩ Hùng vẫn miệt mài làm việc chuyên môn, đi khám từ thiện, làm việc nhà – điều mà ít bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối làm được.
Bác sĩ Hùng chia sẻ: “Rất nhiều người hỏi tôi kinh nghiệm chiến thắng bệnh ung thư, tôi cho rằng yếu tố tâm lý rất quan trọng. Tôi coi mọi chuyện như bình thường, mình mắc ung thư nhưng không khác gì căn bệnh bình thường khác. Tâm lý tôi rất thoải mái, có khi người thân còn lo hơn”.
Qua kinh nghiệm của bản thân, bác sĩ Hùng cho rằng yếu tố tâm lý quyết định tới 50% kết quả điều trị ung thư phổi. Với sự phát triển của y học hiện đại, ông cho biết nhiều trường hợp ung thư vẫn có thể cứu chữa được.
Bản thân ông quan niệm bệnh ung thư cũng giống như các bệnh mãn tính khác, sẽ có nhiều đợt tái phát dù các đợt điều trị trước rất tốt. Bệnh nhân ung thư cần xác định tâm lý chiến đấu dài lâu, không cho phép mình nản chí. Xác định như vậy nên bác sĩ Hùng đã quên đi bệnh tật mà vui sống, luôn lạc quan yêu đời. Thi thoảng ông sẽ xem phim hài, lúc khó ngủ thì tụng kinh hoặc uống thuốc cho dễ ngủ. Thời gian rảnh rỗi, ông và đồng nghiệp lại sắp xếp thời gian đi khám bệnh từ thiện cho mọi người.
Ngoài công việc chuyên môn và công tác từ thiện, bác sĩ Hùng lấy việc làm vườn làm niềm vui, vừa để thư giãn, vừa có thực phẩm sạch để ăn hàng ngày: “Trên sân thượng, tôi trồng rau, trồng hoa, mùa nào thức ấy, đơn giản chỉ là thùng xốp trồng rau muống, dền, mồng tơi, xà lách đôi khi ít rau mùi, mùi tàu, rau húng… Khi có thời gian tôi lại ngồi thiền, tập thở để tâm được tĩnh”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Từ khi phát hiện bệnh, chế độ ăn của bác sĩ Hùng cũng thay đổi. Mỗi ngày, ông chia nhỏ các bữa ăn thành 5 bữa, thực hiện chế độ ăn ít chất bột đường, bữa phụ chủ yếu là rau, quả. Ông ăn rất nhiều các loại rau và trái cây: súp lơ xanh, măng tây, rau chân vịt, mãng cầu xiêm, bơ, cam, chanh…Ông chỉ sử dụng thịt gia cầm, thịt có màu trắng. Khi làm việc ở Viện Tim mạch, ông không ăn cơm ngoài mà thường tự chuẩn bị cơm ở nhà, buổi trưa hâm lại bằng lò vi sóng để ăn.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ Hùng tuân thủ nghiêm túc phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Ngoài ra ông cũng tự mình tìm hiểu và sang Singapore mua các loại thuốc mà nước ta chưa nhập để uống duy trì. Ông cũng tăng cường uống sâm Ngọc Linh và các loại thực phẩm chức năng có chiết xuất từ lá đu đủ.
Bác sĩ Hùng cũng rất chú trọng việc tập luyện thể dục để duy trì sức khỏe, giữ cho cơ thể được dẻo dai. Trước kia ông thường tập gym, hiện nay mỗi ngày ông đều tập dịch cân kinh.
Bác sĩ Hùng cũng đưa ra lời khuyên cho người mắc ung thư, nếu không có điều kiện thì nên điều trị trong nước để có thêm sự động viên của đồng nghiệp, người nhà vì tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị: “Tôi biết có người sang Singapore chữa trị hết 8 tỷ đồng mà vẫn không ăn thua. Ngược lại ở trong nước, người bệnh vẫn được hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao như: PET/CT, xạ trị điều biến liều, thuốc trúng đích…, lại được bảo hiểm chi trả”.
Đối với các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư, Việt Nam đã áp dụng những kĩ thuật điều trị hiện đại, tiên tiến của thế giới. Theo PGS. Mai Trọng Khoa (Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh Viện Bạch Mai Hà Nội) thì câu chuyện chiến thắng ung thư của bác sĩ Hùng là một kì tích, như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Điều mà ông Khoa ấn tượng nhất chính là việc bác sĩ Hùng tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị. Đối với người bệnh ung thư, nếu sống sót được sau 5 năm phát hiện bệnh thì có thể coi là khỏi bệnh.
Tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, ung thư phổi và gan là 2 trong 10 loại ung thư phổ biến nhất. Ở nước ta, số bệnh nhân ung thư phổi ngày càng gia tăng. Tại Hà Nội, ước tính trong 100 nghìn người thì có 40 người được chẩn đoán là ung thư phổi, tại TP.HCM là 30 người.
Để phòng chống bệnh, cần tránh hút thuốc lá, có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, làm việc khoa học. Nên thăm khám sức khỏe định kì, đặc biệt khi xuất hiện các biểu hiện: ho kéo dài, đau ngực… do ung thư phổi khó sàng lọc phát hiện sớm. Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao (người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào) nên làm các xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu để tìm một số chất chỉ điểm khối u (CEA, cifra 21-1, SCC..), chụp X-quang phổi hàng năm.
Theo VnExpress