Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người bệnh bị khàn tiếng kéo dài, sau hơn một tháng đi khám thì được chẩn đoán mắc ung thư thanh quản. Có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn cuối, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả và thời gian điều trị bệnh.
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi – Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM chia sẻ: “Trong vài năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân tới khám xét nghiệm ung thư tại bệnh viện được chẩn đoán mắc ung thư thanh quản có chiều hướng trẻ hóa, rất nhiều ca mắc bệnh là nữ giới dưới 30 tuổi”.
Theo thống kê trước đây, bệnh ung thư thanh quản là bệnh phổ biến ở nam giới tuổi từ 40 trở lên, nhưng hiện nay, tần suất các ca mắc bệnh mới là nữ giới ngày càng tăng cao.
Theo PGS. BS Trần Phan Chung Thủy, giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: “Dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản giai đoạn đầu chỉ là khàn tiếng. Triệu chứng này kéo dài và ngày một nặng hơn. Ở giai đoạn sau, xuất hiện những khối u gây khó thở cho người bệnh”.
Dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản giai đoạn đầu là khàn tiếng
Ngoài ra, bác sĩ Thủy cũng cho biết thêm, khàn tiếng là triệu chứng của bệnh ung thư thanh quản giai đoạn 1, do đó bạn không nên bỏ qua biểu hiện này và cần đi khám sớm để phát hiện đúng bệnh ung thư, mang lại kết quả điều trị và khả năng phục hồi cao.
Thông thường khi gặp biểu hiện này, mọi người thường chủ quan cho rằng đây là bệnh lý khàn tiếng thông thường và tự ý đi mua thuốc uống mà không tiến hành đi kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế. Do đó, hầu như bệnh được phát hiện khi ở giai đoạn muộn, khối u ung thư thanh quản đã di căn sang các bộ phận khác.
Bệnh ung thư thanh quản có khả năng điều trị khỏi lên tới 80% nếu bệnh được phát hiện sớm. Trường hợp bệnh nhân T.N.Đ sống ở TP.HCM là một minh chứng điển hình. Sau hơn một tháng tự nhiên bị khàn tiếng không khỏi mặc dù đã chữa đủ cách mà không có kết quả. Ông Đ đi khám và làm các xét nghiệm thì phát hiện mình mắc ung thư thanh quản. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt thanh quản bằng laser.
Theo Thanh niên</em