Bệnh ung thư lưỡi giai đoạn đầu có những dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng. Do đó, cần biết cách phân biệt bệnh ung thư lưỡi và nhiệt miệng để sớm nhận biết và điều trị bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Những biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi
Trong các bệnh ung thư vùng khoang miệng, ung thư lưỡi là bệnh khá phổ biến. Tuy nhiên, những biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng nên đa phần các trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Bên cạnh các dấu hiệu như khó nuốt, xuất hiện đốm trắng, lở loét ở lưỡi… thì những người bị ung thư lưỡi còn có các dấu hiệu như toàn thân mệt mỏi, có u ở vùng lưỡi, khó khăn khi há miệng và nói, sụt cân nhanh chóng, lưỡi bị chảy máu,…
So với các vết loét của bệnh nhiệt miệng, các vết loét của bệnh ung thư lưỡi thường lâu khỏi, kéo dài hơn. Ở trên và dưới lưỡi, các vết loét xuất hiện tiên tục và có thể xuất hiện các khối u cứng ở những vị trí nhất định. Đây có thể là dấu hiệu rõ nhất để phân biệt bệnh ung thư lưỡi và nhiệt miệng.
Tìm hiểu nhiệt miệng để phân biệt bệnh ung thư lưỡi và nhiệt miệng
Nếu tinh ý, bạn có thể phân biệt bệnh ung thư lưỡi và nhiệt miệng qua các dấu hiệu của bệnh nhiệt miệng dưới đây.
Khi bị nhiệt miệng, thường xuất hiện vết loét trong khoang miệng gây sưng đau và làm trở ngại cho việc nhai, nuốt của người bệnh.
Lưỡi, má trong, lợi là những vị trí thường xuất hiện các vết loét. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở một số vị trí khác trong khoang miệng. Các vết loét có đặc điểm là có màu trắng sữa, chúng khiến vùng xung quanh bị sưng đau, đôi khi gây nổi hạch ở hai bên má và vùng quai hàm.
Kể từ khi bắt đầu xuất hiện cho đến khoảng 7–10 ngày, thông thường các vết loét do nhiệt miệng sẽ tự khỏi. Khi bệnh giảm thì tình trạng sưng, đau giảm dần, vùng niêm mạc có vết loét sẽ nhanh chóng lành lại.
Một số trường hợp nặng, có thể hình thành các áp-xe miệng bị viêm sưng kéo dài do vết nhiệt miệng bị nhiễm trùng. So với dạng nhiệt miệng thông thường, trường hợp này có thể cần dùng đến kháng sinh mạnh hơn và thời gian lành bệnh sẽ kéo dài lâu hơn.
Trong trường hợp các vết loét ở miệng kéo dài cả tháng không lành, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám ngay. Các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết tế bào ở vùng vết loét và giúp bạn phân biệt ung thư lưỡi và nhiệt miệng, xác định chính xác bệnh.
Theo Đất Việt