Bệnh ung thư gan nằm trong ba loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở nước ta. Các nấm mốc gây ung thư gan vẫn đang sinh sôi trong các vật dụng hằng ngày của gia đình như thớt, đũa, thức ăn…
Dùng thớt, đũa lâu ngày hay chế biến thực phẩm đã bị nấm mốc là những thói quen mà các bà nội trợ vẫn cho rằng là vô hại, thế nhưng lại tiềm tàng nguy cơ gây ung thư gan.
Thớt mốc
Vừa qua, cộng đồng mạng đã lan truyền rất nhanh một video về 3 người trong một gia đình Trung Quốc bị ung thư gan do nấm aflatoxin có trên thớt bị mốc.
Băm, thái thức ăn bằng thớt gỗ là thói quen của hầu hết các gia đình. Thế nhưng, ít ai biết nếu không vệ sinh thớt sạch sẽ và để lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho các nấm mốc phát triển và tạo ra aflatoxin – một chất gây ra ung thư.
Trong khi đó, việc lau rửa mà các chị em nội trợ vẫn làm cũng không thể tẩy sạch chất độc hại này trên thớt. Aflatoxin chịu được độ nóng lên tới 280oC nên việc luộc nước sôi không có tác dụng.
Cách loại bỏ nấm mốc gây ung thư gan này tốt nhất là nên phơi nắng sau khi sử dụng và vệ sinh thớt.
Đũa mốc
Các chuyên gia khuyên nên thay mới đũa mốc thường xuyên giống như bàn chải đánh răng, khăn mặt. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình thường có thói quen sử dụng đũa hết năm này đến năm khác.
Cũng giống như thớt gỗ, đũa dùng lâu ngày cũng có thể chứa nấm mốc gây ung thư gan aflatoxin. Trong đũa ẩm ướt thường có vi khuẩn aureus và cả chủng vi khuẩn E.coli gây độc hại hơn 5 lần so với bình thường.
Các chuyên gia khuyến cáo, nấm mốc aflatoxin dễ phát sinh trong đũa tre và đũa gỗ. Do vậy, các gia đình chỉ nên sử dụng các loại đũa này trong thời gian từ 3 – 6 tháng để tránh các vi khuẩn không tốt xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, sau khi vệ sinh đũa sạch sẽ nên sử dụng máy sấy để sấy khô đũa hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Thực phẩm chứa nấm mốc gây ung thư gan
Nhiều người vẫn chủ quan rửa sạch đồ ăn bị nấm mốc và chế biến lại để ăn. Tuy nhiên, trong thực phẩm mốc chứa lượng lớn aflatoxin nếu xâm nhập vào gan rất dễ gây gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, nhiều người vẫn thắc mắc họ không hút thuốc hay uống rượu nhưng vẫn bị ung thư gan. Đến khi được hỏi về thói quen ăn uống mới biết người bệnh thường ăn đồ khô bị mốc hoặc lên men mà không hề biết đó là nguyên nhân gây ung thư gan.
Một khi nấm mốc xuất hiện và bám vào thực phẩm thì biện pháp đun sôi nấu chín vẫn gây nguy hiểm cho cơ thể. Do vậy chúng ta không nên sử dụng những thực phẩm đã bị mốc, quá hạn sử dụng.
Theo Tin tức online