Tỷ lệ người bệnh tử vong do ung thư gan đứng thứ ba trong tỷ lệ tử vong do ung thư trên thế giới. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ mang lại cơ hội sống cao hơn cho người bệnh. Dưới đây là các phương pháp khám ung thư gan đang được các bệnh viện sử dụng hiện nay.
Nguyên nhân gây ung thư gan
Theo Trưởng Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, PGS.TS Nguyễn Thị Băng Sương cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ung thư gan là viêm gan C ( do virus HCV) mạn tính và viêm gan B (do virus HBV) dẫn đến xơ gan, lâu ngày chuyển hoá thành ung thư. Qua các nghiên cứu lâm sàng, có tới 70 – 80% người bị ung thư gan bắt nguồn từ xơ gan. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác gây ung thư gan như: nghiện rượu, độc tố aflatoxin bài tiết từ nấm Aspergillus flavus thường có trong các loại ngũ cốc.
Sau khi được phát hiện bệnh, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh là 9%. Nếu được phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh lên tới 19%. Thế nhưng, hầu hết bệnh nhân ung thư gan ở các quốc gia đang phát triển đều được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Tỷ lệ bệnh nhân phát hiện ung thư gan trong giai đoạn đầu chỉ khoảng 30%. Có 26% trường hợp được phát hiện bệnh vào giai đoạn thứ hai, khi mà tế bào ung thư đã bắt đầu lan rộng, tuy nhiên mới chỉ xuất hiện hạch bạch huyết. Có khoảng 6.5% bệnh nhân ở giai đoạn hai có thể sống trên 5 năm. Gần 22% trường hợp ung thư gan được chẩn đoán đã vào giai đoạn cuối, ung thư đã bắt đầu xâm nhập tới các tạng xa. Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với các trường hợp này chỉ khoảng 3,5%.
Nếu được phát hiện ngay ở giai đoạn đầu thì phương pháp điều trị phẫu thuật triệt để hoặc cấy ghép gan có thể giúp tỷ lệ người bệnh ung thư gan sống sót lên đến 80%. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư gan thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên các phương pháp điều trị không đạt kết quả tốt và khả năng sống sau 5 năm rất thấp (dưới 10%).
Các phương pháp khám ung thư gan hiện nay
Phó giáo sư Sương cũng cho biết: Do phát triển rất âm thầm, gần như không có triệu chứng nên ung thư gan thường chỉ được phát ở giai đoạn muộn, khi các biểu hiện lâm sàng đã rõ rệt. Do vậy, những người có yếu tố nguy cơ cao như mắc bệnh viêm gan B, C, xơ gan, người uống nhiều rượu hoặc trong gia đình từng có người ung thư gan, nên thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ.
Hiện nay, bệnh ung thư gan được chẩn đoán dựa vào các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Ưu điểm của các phương pháp này là dễ thực hiện, chi phí phải chăng, không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và phát hiện được khối u có kích thước trên 1cm. Siêu âm đóng vai trò rất quan trọng trong việc khám ung thư gan hiện nay. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp phát hiện các bệnh lý đi kèm như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Ngoài siêu âm còn có phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT-scan (chụp cắt lớp điện toán), MRI (cộng hưởng từ) giúp phát hiện rõ khối u gan hơn. Nếu phát hiện có khối u, người bệnh được chỉ định sinh thiết gan để giám định lại kết quả khám ung thư gan.
Nhược điểm của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh là chỉ phát hiện ra ung thư nếu có khối u. Do vậy, một phương pháp khác có thể giúp chẩn đoán ung thư gan giai đoạn sớm dựa trên các chỉ dấu sinh học, miễn dịch mà tế bào ung thư tiết ra. Phương pháp này đang được một số bệnh viện lớn của nước ta áp dụng. Các chỉ dấu sinh học, miễn dịch để chẩn đoán ung thư gan được dùng hiện nay là:
- AFP (a-fetoprotein)
- AFP – L3
- DCP hay PIVKA-II
Bác sĩ sẽ dựa vào các chỉ số của ba chỉ dấu trên trong tầm soát ung thư gan. Đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan (viêm gan B, viêm gan C). Phương pháp xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện rất sớm và điều trị tích cực cho người bệnh có nguy cơ bị ung thư gan từ đó có thể làm giảm đáng kể biến chứng và tử vong ở các đối tượng này.
Theo Báo lao động