Ung thư võng mạc là dạng ung thư mắt thường gặp ở trẻ em. Nếu phát hiện muộn, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, cần đưa trẻ đi khám ngay khi thấy mắt trẻ có các dấu hiệu bất thường để bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư võng mạc có đang đe dọa con bạn hay không.
Trẻ thường được phát hiện ung thư mắt trước 3 tuổi với tỷ lệ khoảng 90%. Nếu trẻ không được chẩn đoán bệnh ung thư võng mạc sớm và điều trị kịp thời sẽ không thể bảo tồn chức năng của mắt, đồng thời còn đe dọa đến tính mạng.
Dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư võng mạc
Với những trường hợp trẻ có tiền sử gia đình hoặc bị cả hai mắt thường phát hiện ung thư võng mạc trước 1 tuổi, với những trường hợp bị một mắt thường phát hiện trong độ tuổi từ 1-3 tuổi.
Phần lớn, trẻ được phát hiện bệnh là nhờ cha mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở mắt trẻ và đã đưa trẻ đi khám. Do vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu ung thư võng mạc ở trẻ như có hiện tượng mắt mèo (ánh đồng tử trắng), lác mắt (dấu hiệu này chiếm 25% trường hợp).
Khi ở giai đoạn muộn, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt đỏ, đau nhức mắt, lồi mắt, mắt nhìn mờ, đồng tử giãn, viêm tổ chức quanh hốc mắt, mống mắt dị sắc, mủ tiền phòng, tăng nhãn áp, trẻ chậm phát triển…
Chẩn đoán bệnh ung thư võng mạc ở trẻ như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh ung thư võng mạc ở trẻ, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các kiểm tra chuyên khoa với các trường hợp cụ thể như:
Với trường hợp gia đình có tiền sử ung thư võng mạc, ngay từ khi trẻ vừa sinh ra các bác sĩ sẽ thực hiện khám soi đáy mắt đầy đủ.
Với trường hợp không có tiền sử gia đình, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như ánh đồng tử trắng, lác mắt cần đưa trẻ đi thăm khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa mắt. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám võng mạc cho trẻ bằng đèn soi đáy mắt để chẩn đoán xác định ung thư võng mạc.
Siêu âm mắt cũng là xét nghiệm có thể giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, có thể thực hiện các bước kiểm tra khác trong trường hợp cần thiết như: chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính để xác định vị trí, kích thước, hình thể khối u.
Các biện pháp điều trị ung thư võng mạc ở trẻ
Các phương pháp điều trị ung thư võng mạc ở trẻ bao gồm:
Cắt bỏ nhãn cầu: khi bệnh nhân phát hiện quá muộn, khối u đã lớn thì đây là cách duy nhất để loại bỏ toàn bộ khối u.
Xạ trị: tia xạ thường đem lại kết quả tốt do khối u nhạy cảm với tia xạ, tuy nhiên xạ trị cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như giảm thị lực, bỏng da, đục thủy tinh thể, bệnh về võng mạc, xương không phát triển và có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư ở các bộ phận khác.
Điều trị laser: có thể điều trị laser đơn thuần hoặc phối hợp với tia xạ, tấm phóng xạ hay lạnh đông, thường được chỉ định với những khối u nhỏ ở sâu.
Điều trị bằng lạnh đông: thường được chỉ định với những khối u nhỏ và không quá sâu, có thể phải tiến hành nhiều lần cho đến khi khối u được phá hủy hoàn toàn. Phương pháp này cũng gây ra nhiều biến chứng như có thể làm rách và bong võng mạc, tắc mạch máu võng mạc, tăng sinh xơ trước võng mạc…
Điều trị hóa chất: nhằm tiêu diệt các tế bào u, nếu cần thiết phải kết hợp với xạ trị, lạnh đông, laser nếu sau đợt điều trị hóa chất vẫn còn khối u.
Sau điều trị, việc theo dõi sát tình trạng của người bệnh là rất quan trọng nhất là khi nghi ngờ khối u có khả năng tái phát. Thời gian theo dõi phụ thuộc vào độ tuổi, người bệnh bị một bên hay hai bên mắt.
Theo Bệnh viện K