Bệnh ung thư lưỡi có những biểu hiện rất dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Phần lớn người bệnh khi có các triệu chứng như loét lưỡi, đau họng, khó nuốt,… thì chỉ nghĩ mình bị các bệnh lý về lưỡi thông thường mà không biết rằng đó có thể là dấu hiệu bị ung thư lưỡi.
Câu hỏi
“Tôi bị đau ở bên phải lưỡi, khi chuyển động lưỡi bên này bên kia hay lúc nói thì cảm thấy đau nhưng khi dùng tay ấn vào thì lại không thấy đau. Xin hỏi bác sĩ, có phải tôi đã bị ung thư lưỡi không?” – Quỳnh Mai, Hải Phòng.
Trả lời
Bệnh ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Một số triệu chứng thường thấy ở giai đoạn này như có cảm giác rất khó chịu như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi nhưng triệu chứng này không kéo dài mà chỉ thoáng qua; lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hoá hoặc vết loét nhỏ. Ngoài ra, ở giai đoạn này, một số bệnh nhân cũng đã xuất hiện hạch cổ.
Khi bệnh ung thư lưỡi phát triển nặng hơn, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhiều khi ăn uống hay khi nói chuyện, cơn đau kéo dài, đôi khi đau lan cả lên tai. Bên cạnh đó, người bệnh còn có các triệu chứng như sốt do nhiễm trùng, tăng tiết nước bọt, nhổ nước bọt ra lẫn máu, hơi thở hôi do bướu hoại tử, cơ thể suy sụp rất nhanh do không ăn được.
Lưỡi thường bị tổn thương ở dạng loét, sùi hoặc thâm nhiễm cứng, do một vết loét không đều tạo thành, ở đáy có mủ máu, bờ nham nhở, chảy máu khi va chạm. Trong một số trường hợp, dấu hiệu loét không xuất hiện mà là một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên dưới lớp niêm mạc căng nhẵn, có màu tím nhạt, xuất hiện những lỗ nhỏ ở lớp niêm mạc, rỉ ra một chất trắng khi ấn tay vào đó, đó là do phía dưới lưỡi đã bị hoại tử.
Đối với trường hợp của bạn Mai, bạn chỉ cho biết có một triệu chứng là đau khi cử động lưỡi, do đó chưa thể khẳng định bạn có bị ung thư lưỡi hay không. Để biết chính xác, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh.
Theo Việt Báo