Một nghiên cứu mới đây tại 9 nước châu Âu đối với các người bệnh ung thư cho thấy, nguy cơ ung thư miệng có thể tăng đáng kể nếu sức khoẻ răng miệng không tốt.
Bệnh ung thư miệng hay còn gọi là ung thư khoang miệng để chỉ tình trạng tế bào ác tính hình thành tại các vị trí trong khoang miệng như lợi, môi, lưỡi, má, vòm miệng và sàn miệng. Bệnh nằm trong 6 loại bệnh ung thư thường gặp nhất trên thế giới.
Ngày nay, người ta nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư miệng đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là người trẻ tuổi. Ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, bệnh chiếm tới 40% tỷ lệ người mắc ung thư của nước này. Ước tính, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 500.000 người mắc ung thư miệng và có khoảng 1.5 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh này.
Nghiên cứu do Viện Leibniz (Đức) tiến hành và được nhóm nghiên cứu của Đại học Glasgow hỗ trợ được thực hiện trên 1962 bệnh nhân ung thư tại 9 nước châu Âu. Kết quả cho thấy, nguy cơ ung thư miệng tăng cao hơn hẳn nếu sức khoẻ răng miệng kém.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, nguy cơ gây ung thư miệng và cổ họng thường xuất phát từ các yếu tố như thường xuyên hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia và địa vị kinh tế – xã hội thấp. Phát hiện này được đánh giá là rất quan trọng, bời từ trước tới nay chưa hề xác định được các yếu tố nói trên có liên hệ với nguyên nhân gây ung thư miệng hay không?
Cũng theo các chuyên gia tham gia nghiên cứu, nếu sử dụng nước súc miệng quá 3 lần mỗi ngày, bạn cũng có thể dễ bị ung thư miệng hơn.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh này bằng cách giữ sức khoẻ răng miệng tốt, bạn nên sử dụng kem đánh răng chứa fluoride, dùng chỉ nha khoa và nên đi khám răng miệng một năm hai lần.
Theo Sức khoẻ & Đời sống