Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, có tỷ lệ tử vong rất cao do thường được phát hiện muộn. Do vậy, tầm soát ung thư buồng trứng là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm, ngăn ngừa mối đe dọa đối với sức khỏe nữ giới.
Giai đoạn chẩn đoán ung thư buồng trứng có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tỷ lệ sống của người bệnh. Tỷ lệ sống kéo dài trên 5 năm nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn I là 90%, nếu tổn thương còn trong vùng thì tỷ lệ sống giảm xuống còn 75 – 80%, tỷ lệ này giảm còn 25% đối với trường hợp đã di căn xa. Mặc dù phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp tiên lượng bệnh tốt hơn nhưng tỷ lệ sống 5 năm trung bình của bệnh nhân ung thư buồng trứng chỉ dưới 45%.
Trong hơn 30 năm qua, tỷ lệ tử vong do ung thư buồng trứng giảm rất ít, một phần do sự hiểu biết về căn bệnh này còn rất hạn chế. Ung thư buồng trứng có thể khởi phát từ nhiều vùng trong ổ bụng, kể cả khi cắt bỏ buồng trứng thì yếu tố sinh ung thư vẫn phát triển bình thường.
Để giảm tỷ lệ tử vong, phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ, nhất là đối với những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Siêu âm ổ bụng: để phát hiện những bất thường của cơ quan sinh dục (nhất là buồng trứng), phụ nữ cần phải được siêu âm định kỳ vùng chậu. Hình ảnh bất thuờng của buồng trứng kết hợp với chất đánh dấu ung thư trong máu cho giá trị chẩn đoán cao.
Phết cổ tử cung (PAPs mear): phương pháp này có thể phát hiện 10 – 30% các trường hợp ung thư buồng trứng.
Chất CA 125 trong máu: chất này có tác dụng đánh dấu ung thư, nếu có xuất hiện ung thư buồng trứng nồng độ của nó sẽ tăng lên trong máu. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại trong một số bệnh ung thư khác như đại tràng, tiền liệt tuyến, phổi.
Dựa vào lysophosphatidic acid – lipid lysophosphatidic acid (LPA) trong máu cũng có thể xác định bệnh ung thư buồng trứng. LPA tăng ở 96% các bệnh nhân bị ung thư buồng trứng và hiện diện ở 90% khi bệnh ở giai đoạn I.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, phụ nữ không nên bỏ qua các xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng bởi nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống của người bệnh sẽ cao hơn và ít để lại di chứng hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống