Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ là căn bệnh còn khá xa lạ với nhiều người. Vậy ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ là gì? Điều trị bệnh bằng phương pháp nào? Tham khảo bài viết dưới đây để có thể trang bị thêm kiến thức cho mình.
Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ là gì?
Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (DCIS) là hiện tượng các tế bào có trong một ống dẫn sữa hình thành nên tế bào ung thư. Các tế bào này chỉ nằm trong ống dẫn sữa mà không lan ra các mô vú xung quanh nên chúng ít có cơ hội di căn sang các hạch bạch huyết hoặc các nơi khác trong cơ thể.
Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ còn được gọi với thuật ngữ như: ung thư ống dẫn sữa tiền xâm lấn, không xâm lấn, u trong biểu mô ống dẫn sữa (DIN) hoặc trong ống dẫn sữa. Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ chính là dạng rất sớm của căn bệnh ung thư vú.
Nếu không được điều trị kịp thời, ở một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh, sau vài năm, DCIS sẽ lan vào các mô vú xung quanh và trở thành ung thư xâm lấn. Hiện nay, căn bệnh này đã được phát hiện nhiều hơn so với trước đây, bệnh thường được phát hiện qua chụp nhũ ảnh khi khám sàng lọc ung thư vú.
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ và ung thư ống dẫn sữa xâm lấn nhưng thực tế chúng hoàn toàn không giống nhau. Trong ung thư ống dẫn sữa xâm lấn, các tế bào thoát ra khỏi ống dẫn sữa và lan sang các mô vú xung quanh. Sau đó chúng có cơ hội di căn tới các hạch bạch huyết gần đó hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Các mức độ của ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ
Theo các bác sĩ, DCIS được phân thành các mức độ như: mức cao – tăng trưởng nhanh hơn và mức thấp là các khối u tăng trưởng chậm hơn. Ngoài ra, bệnh còn có mức trung bình ở giữa mức cao và mức thấp. Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ ở mức cao thường dễ lan sang các mô vú xung quanh hơn và khả năng tái phát cao sau điều trị hơn. Xác định đúng mức độ sẽ giúp bác sĩ biết được bệnh nhân cần điều trị gì.
Điều trị ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ như thế nào?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất đối với DCIS. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải cắt bỏ vùng DCIS cùng với đường viền mô khỏe mạnh xung quanh nó. Phương pháp này còn được gọi là cắt bỏ khối u, phẫu thuật bảo tồn hoặc cắt bỏ tại chỗ diện rộng.
Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định xạ trị phần còn lại của mô vú nếu tế bào DCIS rất bất thường (mức độ cao). Phương pháp hỗ trợ điều trị bằng xạ trị giúp tiêu diệt bất kỳ tế bào bất thường còn trong mô vú. Bác sĩ sẽ thảo luận trước với bạn những lợi ích và rủi ro của xạ trị.
Đối với trường hợp chị em phải cắt bỏ toàn bộ vú, nếu muốn, các bác sĩ có thể thực hiện tạo hình vú mới tại thời điểm cắt bỏ vú hoặc sau đó. Bệnh nhân sẽ được tư vấn cắt bỏ toàn bộ vú khi:
– Vùng DCIS trong vú rất lớn.
– DCIS xuất hiện tại một số vùng của vú.
– Ngực nhỏ và quá nhiều phần vú bị DCIS cần cắt bỏ tại chỗ diện rộng.
Một số phụ nữ lo lắng bệnh có thể tái phát nên họ thường thích cắt bỏ toàn bộ vú hơn cắt bỏ tại chỗ diện rộng vì phương pháp này đem lại cho họ cảm giác tin rằng DCIS đã được điều trị thành công.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề xuất cho bạn dùng một loại liệu pháp hoóc-môn có tên là tamoxifen nhằm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú xâm lấn trong tương lai nếu các tế bào DCIS có thụ thể estrogen. Hiện nay các bác sĩ vẫn đang tiến hành nghiên cứu cách mà tamoxifen và các liệu pháp hoóc-môn khác tác động để ngăn chặn tái phát DCIS. Tuy nhiên có một số kết quả thử nghiệm cho thấy liệu pháp tamoxifen này có thể không có tác dụng nhiều nếu bạn đã được xạ trị.
Theo dõi sau điều trị ung thư
Sau khi điều trị ung thư, bệnh nhân phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe để đảm bảo quá trình điều trị đã hoàn tất và không còn mầm mống bệnh tái phát. Hầu hết các bác sĩ điều trị sẽ đặt lịch chụp nhũ ảnh hàng năm cho bệnh nhân. Nếu ung thư tái phát, bác sĩ có thể sẽ đề xuất phương án cắt bỏ toàn bộ vú.
Theo Sức khỏe và đời sống