Tỷ lệ mắc bệnh ung thư hiện nay đang rất phổ biến, nhiều người vì lo sợ ung thư đã phải “thắt lưng buộc bụng” để có tiền đi tầm soát ung thư. Trên thực tế tầm soát ung thư không đúng các chỉ lãng phí tiền của và thời gian.
Hiểu rõ về tầm soát ung thư
Hiện nay, không ít người vì nghe thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nên bỏ công sức, tiền bạc để đi tiến hành hàng loạt các xét nghiệm tầm soát ung thư. Nhiều khi cả bệnh nhân là nữ vẫn được yêu cầu xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Có người còn đi chụp kiểm tra bằng các loại máy với chi phí khá cao như máy PET-CT để tầm soát ung thư, với giá chụp một lần khoảng 27-28 triệu đồng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Trung tâm Ung bướu và Y học Hạt nhân Bệnh viện Nhân dân 115, cảnh báo, việc tầm soát ung thư nếu không được định hướng và không có kế hoạch cụ thể sẽ gây nhiều tốn kém, không mang lại hiệu quả và thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe người đi tầm soát.
Theo bác sĩ Ngọc Anh, không nên lạm dụng việc kiểm tra bằng máy PET. Đây là loại máy chỉ dùng khi đã phát hiện có ung thư, bệnh nhân được chẩn đoán đã mang bệnh và cần chụp để đánh giá diễn tiến của bệnh, nhằm biết được bệnh đang ở giai đoạn, mức độ nào, chứ chụp PET không có giá trị tầm soát bệnh.
Thực tế, chỉ khi phối hợp khám lâm sàng và kết hợp nhiều xét nghiệm khác nhau thì mới có thể chẩn đoán người có mắc bệnh ung thư hay không và không bỏ sót những bệnh ung thư nếu có.
Bác sĩ Ngọc Anh cũng khuyến cáo, không nên tầm soát mơ hồ, tràn lan không có định hướng mà cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định tiến hành các xét nghiệm và có kế hoạch tầm soát cụ thể.
Thông thường, khoảng 50% ung thư có thể chữa khỏi với điều kiện phát hiện sớm, điều trị sớm, trong khi hiện nay có khoảng 70-80% tới bệnh viện điều trị ở giai đoạn muộn nên việc chữa trị gặp khó khăn, để lại nhiều biến chứng.
Thăm khám, xét nghiệm sớm sẽ giúp phát hiện sớm bệnh ung thư, tạo thuận lợi cho quá trình điều trị. Tuy nhiên, cần phải có sự tư vấn rõ ràng của các bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ dựa vào đặc điểm giới tính, tuổi tác, tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe, chế độ sinh hoạt cụ thể của từng người để có chiến lược tầm soát hợp lý.
Khi nào nên tầm soát ung thư?
Tùy mỗi loại ung thư sẽ có những dấu hiệu bệnh đặc trưng khác nhau. Ví như trường hợp khó nuốt, cảm giác vướng, tức nặng, khó thở có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản. Các triệu chứng nhức đầu, giảm thị lực, buồn nôn có thể là dấu hiệu sớm của bệnh u não…
Cần đi tầm soát ung thư khi có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ung thư như đi tiểu ra máu, chảy máu đường ruột, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, vết thương trên da lâu lành bất thường, nốt ruồi to lên, có khối u cục ở vú, thay đổi hình dạng tinh hoàn, có xét nghiệm bất thường ở tuyến tiền liệt….
Do đó, mỗi người cần chú ý nhận ra những bất thường hoặc thay đổi lâu ngày trong cơ thể để nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn và tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Nên đến các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa về ung thư và cần tuân thủ quy trình, thời gian xét nghiệm của bác sĩ.
Theo Vnexpress
&