Việt Nam đã thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật bức xạ ion hóa trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư. Hiện nay Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên được áp dụng kỹ thuật tiên tiến này.
Ngày 31/8, GS.TS. Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai công bố công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”. GS.TS. Mai Trọng Khoa cho biết, ứng dụng kỹ thuật bức xạ ion hóa vào trong chẩn đoán và điều trị ung thư đã góp phần quan trọng trong việc ứng dụng các năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ở Việt Nam một cách hiệu quả, kinh tế và an toàn.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất trên thế giới và tỷ lệ mắc bệnh đang tiếp tục gia tăng. Mỗi năm có 125.000 ca mắc ung thư mới trong đó có 94.700 người tử vong.
Một trong những yếu tố quyết định làm tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do ung thư ở nước ta chính là công tác chẩn đoán, điều trị, tuyên truyền còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác chẩn đoán sớm, phát hiện tái phát, di căn ung thư… Hầu hết các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn, đã di căn và có nhiều biến chứng nên tỷ lệ tử vong thường khá cao. Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, nhưng hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao.
Phương pháp mới được áp dụng trong điều trị ung thư
Nhận thấy công tác chẩn đoán và điều trị bệnh ở Việt Nam còn nhiều thiếu sót, GS.Mai Trọng Khoa đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa vào điều trị bệnh. Bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác.
Công nghệ bức xạ ion hóa này mới chỉ có 12 quốc gia trên thế giới áp dụng và trong đó có Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai sẽ là nơi đầu tiên và duy nhất áp dụng phương pháp mới này. “Đây là phương pháp mới, cập nhất nhất so với các nước trong khu vực và mang lại hiệu quả cực cao để phát hiện sớm và chẩn đoán bệnh ung thư”, GS.Khoa chia sẻ.
Phương pháp này đã giúp nâng cao hơn chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh cho các bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý, từ đó làm giảm tỷ lệ tử vong và tăng tỷ lệ điều trị thành công. Ngoài ra, việc ứng dụng các bức xạ ion hóa vào trong y học đã góp một phần quan trọng trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ở Việt Nam một cách hiệu quả, kinh tế và an toàn.
Nhờ có phương pháp này mà các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh sớm, chính xác, phát hiện nguy cơ bệnh tái phát, di căn và đánh giá chính xác được các giai đoạn của bệnh cũng như đánh giá hiệu quả các điều trị cho nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Từ đó mà bác sĩ có thể đưa ra được phương pháp điều trị ung thư chính xác, phù hợp, hiệu quả, an toàn và ít tác dụng phụ nhất cho bệnh nhân.
Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện phương pháp mới này cho hàng nghìn bệnh nhân. Ông Khoa dẫn chứng trường hợp bác sĩ Đỗ Quốc Hùng – Trưởng phòng C7, Viện Tim mạch Quốc gia mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối di căn toàn bộ cơ thể, ông đã được áp dụng phương pháp này và điều trị rất thành công. Đến nay sau 5 năm, sức khỏe của bác sĩ Hùng đã ổn định.
Theo Dân Việt