Nghề y là công việc chan chứa niềm vui và nỗi buồn, không phải ai theo nghề cũng có may mắn cứu chữa và chăm sóc thành công cho bệnh nhân của mình. Có những con người mà công việc của họ luôn gắn liền với việc chăm sóc người bệnh ung thư trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, lẽ thường, họ cũng phải đối mặt với những lần “đưa tiễn cuối cùng”.
Chị Huỳnh Thị Thu Trang, điều dưỡng trưởng của khoa dạo quanh các buồng bệnh, nhẹ nhàng giục mọi người dùng cơm trưa, đã 12 giờ trưa, guồng máy công việc của các điều dưỡng viên khoa Điều trị nội trú, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi điều trị cho 100 bệnh nhân ung thư vẫn chưa dừng lại.
Khi chăm sóc người bệnh ung thư, bệnh nhân khó chịu thì mình phải… chịu khó
Một trong những bệnh nhân của chị, người đàn ông ở giường bệnh gần cửa sổ nhìn chị, gật đầu và mỉm cười. Ông từng có một gia đình đầm ấm. Thế nhưng, 15 năm trước, khi “cơm không lành, canh không ngọt”, hai vợ chồng li dị, các con quyết định sống với mẹ nên ông trở thành người đàn ông cô độc.Về già, ông nhập viện khi phát hiện căn bệnh u não ở giai đoạn cuối, trong tình trạng không một người thân thích. Người đàn ông hay nhìn qua cửa sổ, ánh mắt buồn xa vắng và chẳng thiết tha gì sự chăm sóc của điều dưỡng, bác sĩ.
Chị thấy hoàn cảnh cô độc của bệnh nhân đã tìm cách giúp ông liên lạc được với 4 người anh em ruột và báo tin cho họ. Vài ngày sau, người em rể của ông đã tìm đến, tâm sự và chăm sóc ông những ngày cuối đời. Khi gặp điều dưỡng, người em rể xúc động nói: “Không phải cả nhà bỏ rơi anh ấy, nhưng giờ anh em ai cũng kiếm ăn từng bữa, không đủ khả năng để lo”. Thấu hiểu, chị Trang đã hướng dẫn ông tìm sự trợ giúp của phòng công tác xã hội và làm đơn miễn giảm viện phí, để yên tâm điều trị: “Làm việc ở đây, chúng tôi thấm thía một điều rằng, cái chết – một điều mà mình không thể chống lại được. Do vậy, mình chỉ có cách giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn cuối đời nhẹ nhàng hơn. Đừng để họ chới với, cô đơn hay phải gặp thêm bi kịch nào trước cái chết” – chị Thu Trang tâm sự.
Chị Thu Trang từng là điều dưỡng gắn bó với khoa Dịch vụ – nơi được xem là “sang chảnh” của bệnh viện, những ngày đầu chuyển về nơi chăm sóc bệnh nhân ung thư, chị Trang không tránh khỏi cảm giác stress: “Ung thư là một cái tin khó lòng chấp nhận nổi với bệnh nhân. Vì vậy, không chỉ thể lực bất an, tâm lý bệnh nhân cũng vô cùng bất ổn, có những phản ứng rất khó chịu đối với nhân viên y tế. Nhưng bao nhiêu năm làm điều dưỡng, chị được dạy rằng, bệnh nhân càng khó chịu thì mình càng phải… chịu khó”.
Khi cái chết của bệnh nhân ung thư được báo trước
Mặc dù là nơi tập hợp nhiều bệnh nhân ung thư, nhưng khi chăm sóc bệnh nhân các điều dưỡng ít có may mắn được nhìn thấy bệnh nhân của mình khỏe mạnh xuất viện. Phải chứng kiến nhiều hơn chính là những cuộc tiễn đưa – khi bệnh nhân quyết định rút ống, xin về. Có những ngày, họ phải tiễn 3-4 bệnh nhân. Bởi vậy, khi nhắc đến những kỷ niệm trong nghề, với chị Trang, những kỷ niệm đó cũng nhuốm màu sắc trầm buồn.
Đó là một người đàn ông vừa chớm 50, là công an. Ông nhập viện điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối, trong khi 3 tháng trước vợ của ông cũng chết vì ung thư dạ dày. Hai đứa con của ông vẫn còn đang học cấp 3 và cấp 2. “Tôi cứ ám ảnh mãi ánh mắt hụt hẫng và bàng hoàng của ông ấy và hai đứa con” – chị Trang kể lại.
Những ngày cuối đời do ông không ăn uống được gì, bác sĩ đã chỉ định đặt ống sonde nuôi ăn qua dạ dày cho ông. Nhưng ông nhất định không chấp nhận. Những cô điều dưỡng trẻ nhiều lần tái mặt khi ông hất tay, nói một câu lạnh tanh: “Cô thử đặt cho cô trước đi rồi biết”. Chị Trang nhẹ nhàng tiến lại gần bệnh nhân, an ủi: “Con biết đặt ống thông rất khó chịu, nhưng vì sức khỏe, chú hãy chịu khó”. Chị gọi hai người con của ông đến, nhờ nắm lấy tay cha, trấn an ông. Có người thân bên cạnh, ông mới tin tưởng để điều dưỡng đặt ống thông cho mình. Ngày ông ra đi, hai chị em bơ vơ và chịu nỗi đau tận cùng vì chỉ trong vòng 4 tháng, chúng mất cả cha lẫn mẹ vì ung thư: “Chứng kiến nỗi đau đó, cảm giác của chúng tôi là một nỗi đau đớn xen lẫn bất lực”. 7 năm trôi qua, việc duy nhất mà chị và các đồng nghiệp của khoa có thể làm được là dõi theo bước đi của hai người con. Giờ, cô chị gái đã tốt nghiệp đại học và lấy chồng, người em trai đang du học ở nước ngoài. Hai chị em vẫn thường xuyên liên lạc với các điều dưỡng trong khoa và thông báo về những chặng đường mới.
Với chị Trang, điều đáng sợ nhất trong thời gian làm việc ở đây đó là bệnh nhân muốn tự tử. Với họ, ung thư chính là án tử treo lơ lửng trên đầu. Nhiều người đã âm thầm nhập viện khi biết mình bị ung thư. Nhưng về sau khi bệnh nặng lên, họ không thể giấu được gia đình mình. Khi thấy người thân bị ung thư, đôi khi người nhà lại dễ bị tổn thương hơn cả bệnh nhân. Họ cứ ám ảnh về “cái chết được báo trước của người thân”. Vì vậy, với chị, cái khó của công việc này là phải chăm sóc tâm lý bệnh nhân, tìm hiểu tôn giáo, niềm tin của từng người để mượn làm điểm tựa cho bệnh nhân và cả người nhà.
Con người dễ rơi vào tình trạng tiêu cực khi làm việc nơi trầm buồn này. Nhưng ở nơi đây, họ tìm thấy những mảng màu tươi sáng. Đó là việc những bệnh nhân cùng phòng chăm sóc an ủi cho nhau, đó là những bệnh nhân mặc dù sống chung với ung thư hàng chục năm trời nhưng vẫn lạc quan, đó là tấm lòng của một bệnh nhân đã nhờ gia đình mang toàn bộ tiền phúng viếng trong đám tang của chính mình đến giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác trước khi mình qua đời …“Để có đủ năng lượng gắn bó và làm việc ở nơi này, tôi chỉ có một cách, đó là cảm nhận cuộc sống bằng cả tấm lòng. Chỉ cần mở lòng là thấy cuộc sống tươi đẹp. Và tôi luôn an ủi bệnh nhân của mình bằng điều tương tự”.
Theo Người lao động
&