Amidan nằm ở cửa ngõ đường thở nên nguy cơ viêm nhiễm là rất cao. Nhìn chung viêm amidan được chia làm hai dạng, cách điều trị viêm amidan từng dạng cũng không giống nhau.
Điều trị viêm amiđan cấp không đặc hiệu
Biểu hiện của dạng viêm amidan cấp tính không đặc hiệu dễ nhận biết như đau họng, chảy nước mũi, có sốt nhẹ, khi hắt hơi sẽ chảy nước mắt, 2 amidan sưng to, đỏ. Khi thực hiện xét nghiệm công thức máu thì số lượng bạch cầu không tăng lên. Nguyên nhân là do virus cúm A, B, C hoặc á cúm như adeno, rhino, herpet.
Đối với trường hợp này, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng kháng sinh, chỉ nên dùng một số loại thuốc điều trị các triệu chứng. Bao gồm: thuốc giảm đau, thuốc chống phù nề, kháng histamin, dùng nước muối loãng hoặc các dung dịch sát khuẩn nhẹ để vệ sinh mũi và họng như angispray, eludril, givalex, locabiotal.
Điều trị viêm amiđan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn
Ở trường hợp này, bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, đau họng lan tỏa tới tai, hạch lân cận sưng to hơn, trong người luôn thấy mệt mỏi, miệng hôi, có màng giả tại amidan, amidan viêm to và có những hốc mủ. Khi xét nghiệm máu, kết quả cho thấy bạch cầu và bạch cầu trung tính tăng. Nguyên nhân viêm amidan cấp tính đặc hiệu là do vi khuẩn như liên cầu khuẩn và xoắn khuẩn.
Điều trị viêm amidan cấp tính đặc hiệu nên dùng kháng sinh đặc hiệu thích hợp. Ngoài ra, theo chỉ định của bác sỹ, có thể còn thực hiện phẫu thuật đối với trường hợp viêm amidan mạn tính kéo dài, viêm amidan thường xuyên tái phát, tiền sử viêm tấy quanh amidan, ngừng thở tạm thời khi ngủ, viêm cầu thận cấp. Đối với viêm cầu thận cấp, chỉ cắt amidan khi đã điều trị xong bệnh này.
Cách phòng ngừa viêm amidan tương đối đơn giản. Các bác sỹ khuyến cáo mỗi người tự thực hiện vệ sinh mũi – họng thường xuyên, sạch sẽ bằng các dung dịch sát khuẩn như locabiotal, givalex, angisp-ray hoặc dùng nước muối pha loãng. Không nên dùng nhiều nước đá, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời cao, nên dùng khẩu trang khi ra ngoài.
Theo Vnexpress