Rất nhiều người dân cho rằng, thuốc phun diệt muỗi phòng sốt xuất huyết sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ. Trước những băn khoăn này, chuyên gia y tế sẽ có những giải thích chính xác cho bạn đọc về thuốc diệt muỗi được sử dụng hiện nay.
Theo ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế) thì nhà bạn sẽ nằm trong vùng dịch nếu có hàng xóm hoặc người cùng khu dân cư bị phát hiện sốt xuất huyết. Khi đó, trạm y tế phường, xã sẽ chịu trách nhiệm tới từng gia đình trong khu vực dịch để phun thuốc diệt muỗi.
Ông Trần Đắc Phu cũng khẳng định, loại thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết ở khu dân cư không gây độc hại cho con người. Hiện nay, có 3 nhóm sản phẩm diệt côn trùng: Nhóm có gốc clo hữu cơ, nhóm có gốc phốt pho hữu cơ và nhóm có gốc Pyrethrine. Bộ Y tế đang sử dụng thuốc diệt muỗi thuộc nhóm Pyrethrine thuộc thế hệ mới nhất, được đánh giá an toàn hàng đầu khi tiến hành thử nghiệm ở cả 3 miền đất nước. Loại thuốc này hiện cũng được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội) thì thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết được phun dưới dạng phun sương, phun không gian ở thể tích cực nhỏ, lượng hóa chất cực nhỏ nhưng có hiệu quả tối đa. Thuốc sẽ khuếch tán trong không gian sau vài giờ nên không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Sau khi phun thuốc, người dân cần chờ khoảng 30 phút cho thuốc khô là có thể vào nhà an toàn. Đối với các đối tượng trẻ nhỏ hay người bị bệnh hô hấp dễ kích ứng (có thể xảy ra ho) thì nên chờ thuốc khô khoảng 2-3 tiếng thì mới vào nhà.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, lượng thuốc phun sẽ khuếch tán trong không khí sau vài giờ khi phun nên thuốc chỉ tiêu diệt được loại muỗi vằn trưởng thành ở thời điểm đó, không thể duy trì lâu dài và mãi mãi. Nếu lượng hóa chất trong không khí đã hết mà khu vực xung quanh vẫn có muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng thì chúng vẫn có thể bay vào nhà và tiếp tục đốt người. Do đó nguy cơ mắc sốt xuất huyết vẫn xảy ra.
Ông Cảm cũng cho biết, nhiều người dân có quan niệm sai lầm rằng gia đình đã từng phun hóa chất diệt muỗi trước đó thì khi vùng có dịch sẽ không cần nhân viên y tế tiếp tục tới phun thuốc. Tuy nhiên nếu một hộ gia đình phun thuốc, dù đã có ý thức diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng bên cạnh xóm ngõ vẫn có nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng sốt xuất huyết thì đàn muỗi vằn mang mầm bệnh vẫn có thể bay từ nhà này sang nhà khác để truyền bệnh.
Ông Cảm cũng đặc biệt lưu ý, người dân sẽ không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun thuốc chống dịch. Thuốc của đội dập dịch y tế dự phòng phường, xã là hoàn toàn miễn phí. Nếu người dân phải trả tiền cho dịch vụ phun hóa chất chống dịch sốt xuất huyết thì đó không phải là lực lượng chống dịch của ngành y tế, cần lập tức báo cho chính quyền để xử lý.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, hiện nay có rất nhiều đối tượng đến các hộ gia đình để mời chào phun thuốc chống muỗi để phòng sốt xuất huyết có thể vì mục đích trộm cướp tài sản hoặc lừa đảo. Bên cạnh đó, những loại thuốc này chưa chắc đảm bảo về chất lượng, kĩ thuật, liều lượng, thời gian, hướng phun, pha hóa chất cũng như xử lý sau khi phun theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, các hộ gia đình nếu có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi thì nên đến các trạm y tế phường, xã hoặc gọi tới đường dây nóng của các Sở y tế để được tư vấn chi tiết, tránh trường hợp bị lợi dụng.
Theo Sức khoẻ & Đời sống