Ở nước ta tỷ lệ người mắc bệnh ung thư miệng chiếm tới 6% trong số các ca mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, rất ít người hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc của người đọc về nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị ung thư miệng.
Bệnh ung thư miệng xếp thứ 5 ở nam và xếp thứ 7 ở nữ về số lượng người mắc bệnh ung thư. Tại các nước phát triển, tỷ lệ này chiếm khá cao, phải kể đến Ấn Độ có tới 40% ca mắc ung thư là ung thư miệng, còn ở nước ta, theo điều tra của Trung tâm Ung bướu tỷ lệ này là 6%.
Hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc ung thư miệng ngày một tăng lên. Thậm chí, tại một số vùng có tỷ lệ mắc bệnh này cao có rất nhiều người dưới 35 tuổi bị bệnh do lạm dụng thuốc lá không khói.
Cau chứa các alkaloides – một chất kích thích tế bào ung thư miệng phát triển
Những tác nhân gây ung thư miệng thường gặp là thuốc lá, rượu và cau. Theo đó, trong thuốc lá chứa hydrocarbon thơm đa vòng – một loại chất gây ung thư phổ biến, cau chứa các alkaloides – một chất kích thích tế bào ung thư miệng phát triển. Do vậy, người có cả hai thói quen hút thuốc và ăn trầu trong thời gian dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng cao hơn rất nhiều lần so với người bình thường. Theo thống kê của Trung tâm Ung bướu có tới 60% bệnh nhân nam mắc ung thư miệng có thói quen hút thuốc và uống rượu.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như viêm nhiễm vùng miệng, thiếu vitamin A, C, E, thiếu máu, tia cực tím, suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm nấm candida albicans, yếu tố di truyền, chấn thương nhiễm trùng mạn tính do răng vỡ hoặc răng giả, vệ sinh răng miệng kém… cũng là những tác nhân gây bệnh ung thư miệng.
Những triệu chứng ung thư miệng có dễ nhận biết?
Bệnh được phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị có tiến triển tốt hơn đồng thời mang lại cơ hội sống cao hơn. Dưới đây là những biểu hiện ung thư miệng thường thấy bạn nên biết.
– Răng lung lay bất thường.
– Xuất hiện hạch ở cổ, chạm vào thấy cứng và dính.
– Các tổn thương da trong khoang miệng bị dính chặt vào mô bên dưới.
– Đau hoặc bị cảm giác lạ không rõ nguyên nhân.
– Ổ răng nhổ lâu lành.
– Tổn thương xơ chai, cứng vùng miệng.
– Tổn thương dạng chồi gồ, dạng bông cải hoặc khối u.
– Gặp khó khăn khi nhai, nói; thường xuyên chảy nước bọt.
– Trong khoang miệng, lưỡi xuất hiện các màng trắng, đỏ.
– Vết loét được 2 tuần không lành dù đã bỏ các chất kích thích hoặc xuất hiện vết loét không rõ nguyên nhân.
Có hai loại xét nghiệm để phát hiện ung thư miệng là xét nghiệm xanh Toluidine và phết tế bào bong. Nếu nhận được kết quả dương tính kèm theo các biểu hiện trên bạn nên thực hiện sinh thiết để được chẩn đoán chính xác về bệnh của mình.
Điều trị ung thư miệng có khó không?
Cũng như các loại ung thư miệng khác, bệnh ung thư miệng vẫn có thể điều trị triệt để bằng phương pháp phẫu thuật và xạ trị, tùy theo mức độ bệnh. Nếu bệnh được phát hiện sớm khi các tổn thương còn nhỏ sẽ dễ điều trị và có cơ hội chữa khỏi hẳn khá cao. Điển hình là bệnh ung thư môi có tổn thương ít, chưa bị di căn hạch lên tới 85% bệnh nhân sống được trên 5 năm. Thế nhưng, thực tế đa số bệnh nhân được phát hiện muộn nên hiệu quả điều trị không cao, phải dùng thêm phương pháp xạ trị. Với những người mắc bệnh ung thư miệng trên 5 năm, do tình trạng di căn lan tràn hoặc xuất hiện thêm ổ ung thư ở đường hô hấp – tiêu hóa nên tỷ lệ tử vong là khá cao.
Phòng ngừa bệnh ung thư miệng như thế nào?
– Không hút thuốc lá, uống rượu bia và ăn trầu.
– Nên súc miệng thật kỹ nếu như dùng các đồ trên và hạn chế nước súc miệng chứa cồn.
– Một số vitamin có khả năng chống oxy hoá và bài trừ các gốc tự do – tác nhân gây đột biến gen dẫn đến ung thư. Bạn nên bổ sung vitamin A, C, E qua các loại rau quả có màu đỏ, vàng, xanh cho cơ thể. Bên cạnh đó, một số nguyên tố vi lượng như kẽm, selen và sắt cũng rất cần thiết để phòng tránh bệnh ung thư miệng.
Theo VnExpress