Phần lớn bệnh nhân ung thư khí quản phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn nên gây nhiều khó khăn cho việc điều trị. Cấy ghép khí quản nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị ung thư khí quản mang lại cơ hội sống cao hơn cho người bệnh.
Trước đây, cơ hội sống của các bệnh nhân ung thư khí quản thường rất thấp do các phương pháp điều trị không đem lại nhiều tác dụng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành y học, các vật liệu hoàn toàn nhân tạo đã được ứng dụng thành công để sản xuất một bộ phận trong cơ thể người, thay cho phương pháp cấy ghép tạng truyền thống.
Nguyên liệu để sản xuất ống khí quản nhân tạo là một loại nano composite đặc biệt (chất dẻo giống như nhựa). Khi điều trị, ống khí quản nhân tạo này sẽ được phủ tế bào tủy não của bệnh nhân được phẫu thuật lên. Khí quản nhân tạo sẽ được cấy ghép lên cơ thể bệnh nhân sau vài ngày được bảo quản trong các điều kiện kỹ thuật y tế đặc biệt.
Điểm phức tạp nhất của công nghệ này là vấn đề sao chép và dựng lại mô hình khí quản cần đảm bảo độ chính xác tuyệt đối so với khí quản thật của bệnh nhân. Trước khi cho đúc khuôn sản phẩm công nghệ này, các chuyên gia sẽ sử dụng máy chụp 3D siêu chính xác để chụp và xử lý hình ảnh.
Phương pháp điều trị ung thư khí quản trên không chỉ mở ra cơ hội cho bệnh nhân ung thư khí quản mà còn có đóng góp lớn cho ngành phẫu thuật ghép tạng do bệnh nhân không cần tìm kiếm người hiến tạng, đồng thời tránh được những phản ứng “kháng miễn dịch” của cơ thể người bệnh đối với cơ quan được cấy ghép.
Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho trẻ em vì đây là đối tượng khó tìm được tạng phù hợp để ghép khi điều trị do tìm người hiến tạng cho trẻ em khó hơn rất nhiều so với người lớn.
Theo Hà Nội mới