Mỗi năm nước ta có ít nhất 78.000 ca ung thư mới. Trong đó các bệnh nhân thường có xu hướng biến chứng nhiễm trùng trong quá trình điều trị bằng hóa chất, vì vậy trong quá trình chăm sóc bệnh nhân điều trị ung thư ta cần phải đặc biệt chú ý.
Theo ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 78.000 ca ung thư mới mắc. Trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư thì biến chứng nhiễm trùng là một trong những biến chứng gây tử vong cao cho bệnh nhân hiện nay. Do khi bị mắc ung thư, hệ miễn dịch của người bệnh dễ bị tổn thương, sức đề kháng của họ thường bị giảm sút và dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt là bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư bằng hóa chất dễ xảy ra biến chứng giảm bạch cầu. Bạch cầu trong máu được ví như “bộ đội chủ lực” ngăn chặn vi trùng từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Khi số lượng bạch cầu trong cơ thể bệnh nhân suy giảm, thì một nhiễm trùng đơn giản cũng có thể trở nên nguy hiểm và gây tử vong cho họ. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng trong giai đoạn đang được điều trị bằng hóa chất thì bệnh nhân có thể sẽ phải bỏ dở liệu trình điều trị ung thư bằng hóa chất. Việc đó sẽ ảnh hưởng tới kết quả điều trị ung thư của người bệnh. Việc bệnh nhân ung thư phòng tránh nhiễm trùng sẽ tạo điều kiện cho họ thực hiện hết liệu trình điều trị và giúp kéo dài cuộc sống
Phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng ở bệnh nhân như thế nào?
Luôn theo dõi liên tục biểu hiện sốt của bệnh nhân: Sốt rất có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, nếu nhiễm trùng trong thời gian đang điều trị hóa chất bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân nên kẹp nhiệt độ bất cứ khi nào thấy nóng, run hoặc thấy không khỏe. Nếu nhiệt độ cơ thể từ trên 380C kéo dài trên một giờ là một dấu hiệu cảnh báo.
Một số dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng khác: Đau họng, đau miệng, thay đổi kiểu ho hoặc mới bị ho, rét run, thở ngắn; chảy nước mũi; đi tiểu nhiều bất thường, đau nóng rát khi đi tiểu; chảy dịch hoặc ra khí hư bất thường ở âm đạo; tiêu lỏng; nôn; đau bụng; sưng nóng đỏ đau ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bao gồm cả các vết mổ, các lỗ đặt ống thông, chân catheter…
Bệnh nhân ung thư phải làm gì nếu nghĩ mình bị nhiễm trùng?
Khi bệnh nhân có các biểu hiện sốt hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ ở trên nếu đang được điều trị nội trú thì người nhà bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ điều trị biết. Trường hợp bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú tại nhà, nếu bị nhiễm trùng thì gia đình nên đưa người bệnh đi khám bất kể là ngày hay đêm. Nếu có điều kiện bệnh nhân hãy liên lạc với bác sĩ hoặc đến bệnh viện, nơi mình đang theo dõi và điều trị. Nếu ở xa, bệnh nhân có thể đến bệnh viện nơi gần nhất và không được quên khai báo cho bác sĩ khám bệnh biết là mình bị ung thư đang được điều trị bằng hóa chất. Lưu ý là sốt trong giai đoạn đang điều trị hóa chất có thể là dấu hiệu nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng, do vậy bệnh nhân cần được khám sớm.
Phòng tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân ung thư thế nào?
Rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây lan qua bàn tay không sạch của bạn, gây nguy hiểm đến bệnh nhân đang được điều trị bằng hóa chất, bởi trong giai đoạn này cơ thể của bệnh nhân ung thư rất yếu và bị giảm khả năng chống lại sự nhiễm trùng. Vì vậy, những người thường xuyên chăm sóc và gần gũi bệnh nhân ung thư cũng nên rửa tay thường xuyên. Hãy sử dụng xà phòng và nước để làm sạch đôi bàn tay. Nếu không có sẵn xà phòng và nước bạn có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh bằng cồn. Luôn rửa tay: trước trong và sau khi chế biến và nấu thức ăn; trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi chăm sóc trẻ đi vệ sinh; sau khi hắt hơi xì mũi; sau khi sờ mó chăm sóc vật nuôi; sau khi tiếp xúc với các chất thải; trước và sau khi chăm sóc một vết thương, ống dẫn lưu, ống thông…
Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư cần được bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi. Không được có tư tưởng ăn nhiều, khối u sẽ nhanh phát triển, vì nếu không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bệnh nhân sẽ chết do suy mòn và nhiễm trùng trước khi khối u có thể gây ra tử vong cho bệnh nhân. Bệnh nhân cũng nên giữ gìn nhà cửa vệ sinh sạch sẽ thường xuyên lau chùi và khử trùng các bề mặt nơi bệnh nhân hay tiếp xúc. Bệnh nhân cũng không nên đến những nơi bị ô nhiễm, tránh tiếp xúc với người bệnh đang mắc các bệnh truyền nhiễm.
Điều quan trọng cuối cùng, bệnh nhân ung thư hãy lưu số liên lạc của bác sĩ hoặc của khoa, phòng nơi mình đang được điều trị để khi cần có thể liên hệ để được tư vấn kịp thời.
Theo Sức khỏe & đời sống
&