Nếu “cậu nhỏ” của bạn đang có những biểu hiện bất thường như bị đau, vết loét điều trị bằng kháng sinh mà không đỡ, vết bạch sản, xuất hiện mụn cóc,… bạn nên đi khám ung thư dương vật ở các cơ sở chuyên khoa uy tín.
Bệnh ung thư dương vật khá phổ biến ở một số quốc gia châu Á, châu Phi và các quốc gia Nam Mỹ. Ở nước ta, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dương vật chiếm tới 3,4% các loại bệnh ung thư ở nam giới.
Dưới đây là một số thông tin hữu ích để các quý ông biết khi nào nên đi khám ung thư dương vật, những phương pháp điều trị, phòng tránh bệnh kịp thời.
Khi nào nên đi khám ung thư dương vật?
Một số biểu hiện của ung thư dương vật rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm thông thường ở “cậu nhỏ” như bị đau, vết loét, vết bạch sản, mụn cóc,… điều trị bằng kháng sinh lâu ngày mà không đỡ. Nếu bạn đang có những dấu hiệu này, đừng chần chừ đi khám ở các cơ sở chuyên khoa uy tín.
Đối với những người không bị bao quy đầu hẹp, các triệu chứng ung thư dương vật thường thấy của bệnh là da dương vật thường có màu sắc bất thường và dày hơn, sau đó thường có các vết loét không đau hoặc phát triển thành u ở quy đầu hoặc bao quy đầu, cũng có thể là ở trên thân “cậu nhỏ”. Những tổn thương nói trên thường không đau, một số trường hợp khác có thể bị nổi ban đỏ hoặc thẫm màu, mảng nhỏ giòn, rát phẳng màu nâu xanh nhạt.
Với người có bao quy đầu hẹp, do phần quy đầu bị che lấp nên rất khó phát hiện bệnh sớm. Ở giai đoạn đầu, các khối u thường rất kín đáo, người bệnh thường có biểu hiện ngứa do viêm nhiễm kéo dài, chảy dịch hôi nhưng điều trị không khỏi. Khi đến khám, bác sĩ phải mở bao quy đầu mới có thể thấy khối u, chúng thường rất hôi và dễ bị chảy máu. Khi bệnh ung thư dương vật ở giai đoạn muộn, “cậu nhỏ” thường có hình lắc chuông hoặc hình dùi trống.
Vào giai đoạn muộn, các khối u dương vật thường lan rộng ra và gây tắc nghẽn niệu đạo, do vậy bệnh nhân thường bí tiểu hoặc rất khó đi tiểu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể có triệu chứng như bị viêm đường tiết niệu dẫn đến tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần, đi tiểu thường phát hiện hạch bẹn ở một bên hoặc cả hai bên. Hạch do ung thư dương vật gây ra có thể di động hoặc cố định.
Những biểu hiện lâm sàng trên có thể giúp ích trong việc khám ung thư dương vật, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán mô bệnh học và giám định bệnh một cách chính xác. Để đánh giá trước mổ, chẩn đoán giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng như chẩn đoán hình ảnh. Cụ thể, người bệnh được tiến hành siêu âm ổ bụng để xem có hiện tượng di căn hạch và các tạng ổ bụng hay không; chụp X-quang phổi để đánh giá xem có bị di căn ở phổi không; chụp CT, chụp MRI và một số xét nghiệm cần thiết khác để xác định chính xác mức độ lan rộng của khối u, những tổn thương di căn nếu có.
Việc đánh giá giai đoạn ung thư dương vật trước khi điều trị sẽ quyết định phương pháp chữa trị phù hợp với mỗi bệnh nhân khác nhau. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm lâm sàng khác như đánh giá chức năng thận, hệ tạo huyết, gan và các cơ quan khác nhằm hỗ trợ các phương pháp điều trị như phẫu thuật, tia xạ và hoá chất.
Tuỳ theo tình trạng khối u lan rộng như thế nào, có phát hiện di căn hạch hay di căn xa hay không, bệnh ung thư dương vật được chẩn đoán và chia thành các giai đoạn: 0, 1, 2, 3 và 4.
Phòng bệnh ung thư dương vật như thế nào?
Chỉ cần chú ý tới lối sống lành mạnh, để tâm đến sức khoẻ của mình hơn, bạn hoàn toàn có thể phòng chống ung thư dương vật một cách dễ dàng.
- Nếu con bạn bị hẹp bao quy đầu, nên cho bé đi cắt bao quy đầu càng sớm càng tốt.
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín.
- Quan hệ tình dục lành mạnh: không quan hệ với nhiều bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ.
- Nên tiêm vắc-xin phòng HPV chủng 16, 18.
- Không hút thuốc lá.
Trích nguồn: VnEx