Tô Mộc
Là gỗ thân và cành. Thu hoạch quanh năm ở những cây trên 10 năm. Chặt cây, róc đẽo hết lớp vỏ ngoài và phần lớn gỗ giác lấy phần lõi, cưa thành khúc ngắn (khoảng 25cm), chẻ nhỏ, phơi khô, độ ẩm không quá 11 %.
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Tô mộc hình trụ dài hay nửa trụ tròn đường kính 3 -12 cm, hay những thanh nhỏ, dài 10 cm hay hơn. Mặt ngoài các miếng lớn có màu đỏ vàng đến đỏ nâu, có vết dao đẽo và vết cành, thường có khe nứt dọc. Mặt cắt ngang hơi bóng, vòng tuổi thấy rõ rệt (màu da cam), có thể thấy màu nâu tối, có các lỗ nhỏ (mạch gỗ). Dễ tách thành từng mảnh theo thớ gỗ, tủy có lỗ rõ. Các thanh được chẻ nhỏ có màu hồng đỏ, có thể có những chỗ có màu nhạt hay đậm hơn. Chất cứng, nặng, không mùi, vị hơi se.
Bào chế: Cưa thành đoạn dài 3 cm, chẻ thành mảnh nhỏ hay tán thành bột thô.
Tính vị: Vị ngọt, tính bình.
Quy kinh: Vào kinh Tâm, Can và Tỳ.
Thành phần hoá học: Tanin, acid Galic, chất Sappanin, Brasilin và tinh dầu.
Tác dụng của Tô mộc:
Có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm, lưu thông khí huyết. Dùng chữa các chứng bệnh: tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, nhiễm khuẩn đường ruột, phụ nữ bế kinh, sản hậu, chấn thương ứ huyết, bụng trướng đau.
Chủ trị, phối hợp:
+ Sản hậu huyết ứ, kinh nguyệt bế, trị ung nhọt, chấn thương ứ huyết. Trị lỵ cấp tính, viêm ruột, tiêu chảy do nhiễm trùng đường ruột.
+ Huyết ứ biểu hiện rối loạn kinh nguyệt, mất kinh và đau bụng sau đẻ: Tô mộc hợp với Ðương quy, Xích thược và Hồng hoa.
+ Sưng đau do ngoại thương: Tô mộc hợp với Nhũ hương và Một dược.
Liều dùng: Ngày dùng 4 – 20g (thuốc sắc).
Bảo quản: Để nơi khô ráo, cách xa mặt đất, tránh ẩm.