Giỏ hàng

Bồ hoàng

Dược Liệu Sạch Bồ Hoàng

(Typha Angustata Bory Et Chaub)

Dược Liệu Sạch Bồ Hoàng có tên gọi khác: Cây cỏ nến, Bồ đào, Hương bồ, Bông nên, Bông liễng.
 
Tên khoa học: Typha Angustata Bory Et Chaub.

Mô tả cây thuốc Bồ Hoàng: 

Cây thuốc Bồ hoàng là cây thảo cao 1,5 đến 3m. Thân tròn, lá hình bàn dài, mọc thành 2 hàng, có bẹ to. Hoa đơn tính cùng gốc, họp thành bông riêng biệt nhưng thường nằm trên một trục chung, bông đực ở trên, bông cái ở dưới, hai bông cách nhau một quãng ngắn. Cả cụm hoa trông như một cây nến màu đỏ. Nhị ở hoa đực bao bởi lông ngắn màu vàng, rất nhiều hạt phấn. Bông cái có cột nhụy dài, có nhiều lông trắng hay hơi hung, bầu có hình chỉ. Quả nhỏ hình thoi, khi chín mở dọc. Cây còn được gọi là Cỏ nến vì hoa như  cây nến.

Địa lý: Cây mọc ở khắp nơi đầm lầy ở Việt Nam, nhưng vị này đã phải nhập của trung Quốc.

Thu hái, sơ chế:

Thu hoạch vào tháng 4. Chọn ngày lặng gió, cắt bông hoa phơi khô, thứ vàng là tốt (nếu trời râm phải trải ra, tránh ủ nóng làm biến chất), dùng cối nghiền sạch lông và tạp chất, phơi lấy hột nhỏ phơi khô để dùng.

Phần dùng làm thuốc: Dùng phấn hoa phơi khô của hoa đực. Dùng cả nhị đực và cái là không đúng.

Mô tả dược liệu: 

Dược liệu Bồ hoàng là chất bột nhẹ màu vàng tươi, quan sát dưới kính hiển vi hạt hoa gần hình cầu hoặc hình bầu dục, phấn hoa trong bột hình sợi dài khoảng 1,5mm, màu vàng đất hoặc màu nâu nhạt. Loại cỏ màu vàng óng ánh, khô hạt nhỏ nhẹ xốp không lẫn tạp chất là thứ tốt, thứ phơi nâu là kém.

Tính vị: Vị ngọt, tính bình.

Qui kinh: Vào kinh Can, Thận, Tâm bào.

Thành phần: Flavonozit, xitosterin, chất mỡ

Tác dụng của bồ hoàng: Hoạt huyết, khử ứ, lương huyết, chỉ huyết, đồng thời có tác dụng tiêu sưng ra mủ.

Chủ trị:

Trị thống kinh do ứ huyết, đau ứ hoặc rong kinh sau khi sinh; ứ đau do té ngã, chấn thương, sưng, làm mủ, họng sưng đau; xuất huyết bên ngoài do ngoại thương.

Liều dùng: Ngày dùng 6 – 12g.

Kiêng kỵ: Âm hư, không bị ứ huyết không được dùng.

Bảo quản: Dễ bị hút ẩm, sinh ra mốc. Khi đem phơi phải bọc trong giấy mỏng để khỏi bay. Tránh nóng quá sẽ biến chất. Đựng trong lọ kín.

Một số đơn thuốc thường dùng:

+ Cầm máu (trong trường hợp tiểu tiện ra máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam): Bồ hoàng 5g, cao ban long 4g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 2 – 3 lần uống trong ngày có tác dụng cầm máu và giảm bớt lượng huyết xuất ra.

+ Chữa chảy máu cam: Bồ hoàng sao trộn với thanh đại (bột màu xanh lam chế từ cây chàm mèo), lượng bằng nhau. Mỗi lần uống 8g với nước ấm.

+ Chữa hành kinh đau bụng, kinh nguyệt không đều: Dùng bồ hoàng và lá lốt liều lượng bằng nhau. Bồ hoàng sao vàng, tán mịn; lá lốt tẩm muối sao, tán mịn; trộn đều 2 thứ, luyện với mật thành viên cỡ đốt ngón tay (khoảng 9g). Trước mỗi kỳ kinh khoảng một tuần, mỗi ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần uống 1 viên, chiêu thuốc bằng nước sôi còn ấm; uống liên tục trong 5 ngày. Thích hợp với chứng hành kinh đau bụng, rối loạn kinh nguyệt do hư hàn.

+ Trị ghẻ ngứa: Bồ hoàng 25g (sao đen) rắc vào chỗ ghẻ ngứa. Ngày làm 1 – 2 lần.Thực hiện đến khi vết ghẻ giảm ngứa, khô, không lở loét.

Lưu ý: Bồ hoàng có tác dụng cầm máu tốt. Tuy nhiên khi dùng phải có hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc Đông y có uy tín.Chỉ nên dùng trong thời gian ngắn để cầm máu.Nếu bị tiểu tiện, đại tiện ra máu hoặc chảy máu cam, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.

Nguồn:

SẢN PHẨM NẤM LIM XANH

Rừng Tự Nhiên 100%
Chế Biến Gia Truyền
Chất Lượng Đảm Bảo
Miễn Phí Vận Chuyển
Hotline Button Zalo Button Location Button Location Button