Cà Gai Leo
(Solanum hainanense Hance)
Tên khác: Cà vạnh, Cà cườm, Cà quánh, Cà quýnh.
Tên khoa học: Solanum hainanense Hance. hoặc Solanum procumbens Lour., họ Cà (Solanaceae).
Mô tả cây thuốc:
Cây mọc hoang ở khắp mọi nơi từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven biển. Các tỉnh có nhiều là Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An. Cũng thường được trồng làm hàng rào..
Bộ phận dùng: Rễ (Thích gia căn), dây (Thích gia đằng).
Thu hái: Có thể thu hái rễ và cành lá quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi khô hay sấy khô.
Thành phần hóa học: Rễ và dây có alcaloid (solasodin, solasodinon), rễ còn chứa tinh bột, flavonoid.
Công năng: Tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu.
Tác dụng của Cà gai leo:
Trị cảm cúm, phong thấp, sâu răng, chân răng chảy máu, rắn cắn và dị ứng. Nhân dân còn dùng rễ Cà gai leo xát vào răng khi uống rượu để tránh say rượu; cũng dùng rễ sắc nước cho người bị say uống để giải say.
Cách dùng, liều lượng: Liều dùng 16-20g rễ hoặc thân lá, dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát, chiết nước uống và lấy bã đắp.
Bài thuốc dùng dược liệu sạch Cà gai leo:
1. Chữa rắn cắn: lấy 30-50g rễ Cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ, hoà với khoảng 200ml nước đun sôi để nguội, chiết nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần. Hôm sau, dùng 15-30g rễ khô, sao vàng, sắc nước cho uống, ngày 2 lần, sau 3-5 ngày thì khỏi hẳn.
2. Chữa phong thấp:dùng rễ Cà gai leo, vỏ Chân chim, rễ Cỏ xước, Dây đau xương, Dây mấu, rễ Tầm Xuân, mỗi vị 20g, sắc uống.
3, Chữa ho, ho gà:dùng rễ Cà gai leo 10g, lá Chanh 30g, sắc uống làm 2 lần trong ngày.
4. Chữa sưng mộng răng: dùng hạt Cà gai leo 4g, tán nhỏ, cho vào trong cái đồ đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng (theo Bách gia trân tàng).