Ung thư tụy loại ung thư đứng thứ 4 về số người chết nhưng lại chỉ chiếm có 3% trong các bệnh ung thư. Có thể thấy đây là căn bệnh nguy hiểm thế nào khi chỉ có 26% bệnh nhân sống được 1 năm và 6% bệnh nhân sống thêm được 5 năm.
Hầu hết ung thư tụy là ung thư tụy ngoại tiết, việc phát hiện bệnh rất khó khi mà các triệu chứng bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng. Khi thấy xuất hiện triệu chứng, thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn. Dưới đây là các cách xét nghiệm chẩn đoán ung thư tuyến tụy.
Siêu âm: Thường được sử dụng lần đầu khi bệnh nhân đến khám với những triệu trứng giãn đường mật hoặc thấy khối u vùng đầu tụy. Độ nhạy của phương pháp này lên tới 75-89% và độ đặc hiệu 90-99%. Tuy nhiên giá trị của siêu âm vẫn còn thấp trong phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư tụy, ngoài ra chẩn đoán kiểu này cũng nhờ một phần kinh nghiệm của người siêu âm.
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Đây là biện pháp khá phổ biến nhưng đã bị thay thế bởi siêu âm nội soi. Nội soi mật tụy ngược dòng gợi ý cho chúng ta biết các dấu hiệu ung thư tụy như hẹp hoặc tắc ống mật chung, ống dẫn tụy (dấu hiệu đường đôi), hẹp ống tụy dài trên 1cm và không có dấu hiệu viêm tụy mạn tính. Trước đây còn sinh thiết qua nội soi mật tụy ngược dòng nhưng hiện nay đã sử dụng dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi. Nội soi mật tụy ngược dòng còn giữ vai trò quan trọng trong điều trị triệu chứng tắc mật.
Siêu âm nội soi: (EUS) đồng hành cùng nó là chụp cắt lớp vi tính (CT scan) điều này giúp phán đoán giai đoạn bệnh. Siêu âm nội soi là phương pháp đánh giá chính xác được độ xâm lấn của u, di căn hạch trong khi CT cho biết tình trạng di căn xa. Siêu âm nội soi đặc biệt hiệu quả trong trường hợp trên CT ổ bụng nghi ngờ có huyết khối tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Ngoài ra, siêu âm nội soi còn giúp hướng dẫn sinh thiết kim để lấy được bệnh phẩm giúp cho chẩn đoán mô bệnh học.
Chụp CT ổ bụng giúp thấy được khối u giảm đậm độ so với nhu mô tụy, một số triệu chứng khác như mất tính liên tục của ống tụy, giãn ống tụy hoặc ống mật chung, phì đại nhu mô hoặc mất ranh giới đường viền xung quanh. CT xoắn ốc sử dụng thêm tiêm thuốc cản quang mang lại những thông tin giá trị xem có xâm lấn các mạch máu lớn như tĩnh mạch cửa, động mạch và tĩnh mạch mạc treo tràng trên hay chưa để quyết định phẫu thuật.
MRI và MRCP – hai phương pháp cộng hưởng từ: MRI là phương pháp chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến tụy nhưng nó lại không bằng chẩn đoán CT xoắn ốc có tiêm thuốc cản quang nên tùy thuộc vào bác sĩ lựa chọn. MRCP giúp tạo nên hình ảnh 3 chiều của cây đường mật, tụy, nhu mô gan, mạch máu. MRCP tốt hơn CT trong xác định cấu trúc giải phẫu cây đường mật và ống tụy như những tổn thương trên dưới chỗ hẹp hoặc trong gan.
Chụp cắt lớp vi tính phát xạ positron (PET/CT): Là phương pháp rất hiệu quả trong quá trình xem xét giai đoạn bệnh vì nó có thể tìm và xác định những tổn hại của di căn xa (di căn hạch, di căn phổi…).
Chất chỉ điểm khối u được dùng để theo dõi được gọi là CA19-9, được xác định là tăng khi giá trị trên 37UI/ml.
Xét nghiệm giải phẫu là phương pháp đưa ra kết quả bệnh và là bước quan trọng nhất trong chẩn đoán ung thư tụy. Sinh thiết u tụy được thực hiện qua da dưới sự hướng dẫn của siêu âm và CT hoặc siêu âm nội soi, có một số trường hợp khó phải sinh thiết qua phẫu thuật mở bụng. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể chẩn đoán xác định bằng giải phẫu bệnh được.
Theo Sức khỏe & đời sống