Bệnh u tủy đã xuất hiện từ lâu song khoa học mới chẩn đoán được bệnh ở người còn sống trong khoảng 100 năm trở lại đây và các thiết bị, phương tiện kỹ thuật phát hiện bệnh u tủy ngày càng hiện đại.
Tiến trình phát triển các kỹ thuật phát hiện bệnh u tủy
Trước đây, bệnh u tủy được chẩn đoán chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kinh nghiệm chủ quan của thầy thuốc. Từ khi y học chứng cứ ra đời và phát triển mới có sự hỗ trợ của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và các dữ liệu khách quan khác trong quy trình chẩn đoán bệnh, mang lại kết quả chuẩn xác hơn.
X-quang ra đời vào cuối thế kỷ 19 đã làm thay đổi hẳn công tác chẩn đoán nhiều loại bệnh, trong đó có u tủy. Cùng với sự phát triển của X-quang, một loại hình ảnh để chẩn đoán u tủy mang tên khí tủy đồ cũng đã được phát minh.
Vài năm sau đó, thuốc cản quang dạng lỏng cũng đã được phát minh ra để xác định u tủy bằng cách bơm vào khoang giữa màng nhện và màng nuôi tủy sống rồi sử dụng X-quang xác định. Tuy nhiên, giai đoạn đầu chỉ có các thuốc cản quang tan trong dầu, cơ thể không thể hấp thu và tồn đọng lại trong cơ thể gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe sau này. Vì vậy, loại thuốc này được khuyến cáo hạn chế sử dụng và cần tuân thủ những nguyên tắc khi chẩn đoán phát hiện bệnh u tủy bằng phương pháp này.
Sau này, các loại thuốc cản quang tan trong nước, cơ thể có thể hấp thu đã được phát minh và nhờ đó chụp được hình ảnh đầy đủ, giúp xác định ranh giới của khối u rõ ràng hơn. Đó gọi là tủy đồ. Các loại thuốc này vẫn không ngừng được cải tiến trong khoảng thời gian sau đó để đảm bảo an toàn cho người bệnh khi sử dụng.
Thiết bị cộng hưởng từ MRI ra đời được xem như một cuộc cách mạng trong chẩn đoán bệnh về cột sống, não, tủy sống và khớp mang lại kết quả chi tiết, chính xác và an toàn.
Trong việc chẩn đoán phát hiện bệnh u tủy, cần phải bơm một loại thuốc làm thay đổi khả năng cộng hưởng vào trong máu trước khi chụp MRI. Thuốc sẽ theo máu đến khối u, tùy theo lượng máu đến nhiều hay ít, người ta suy ra bản chất của các khối u là loại gì, lành hay ác.
Nhiều phương pháp có thể phát hiện bệnh u tủy
Để phát hiện bệnh u tủy, ngoài chẩn đoán MRI có thể thực hiện thêm những chẩn đoán hình ảnh ung thư khác như:
– Chụp mạch máu tủy:
Để phân biệt với các bệnh lý thuộc về mạch máu tủy, người ta thường sử dụng phương pháp này. Bác sĩ chỉ định chụp mạch máu tủy thường nhằm tìm ra nguồn của mạch máu nuôi khối u ở những u có quá nhiều máu đến nuôi. Nhờ vậy, có thể dễ dàng cô lập nguồn máu nuôi u, tránh làm mất nhiều máu hay lúng túng gây ra những biến chứng không đáng có khi thực hiện phẫu thuật.
– Đo điện cơ:
Để xác định dây thần kinh, mức độ thương tổn, chức năng của các vùng tủy sống hoặc tiên lượng sau này, bác sĩ sẽ tiến hành đo điện cơ.
– Siêu âm:
Ở những bệnh có khối u nằm ở chỗ không có xương bao bọc hoặc những vùng đã được cắt xương khi mổ trước đây nay tái phát u, phương pháp siêu âm được chỉ định thực hiện để chẩn đoán u tủy. Kỹ thuật này cũng được áp dụng với những phần lan ra ngoài ống sống của u hình quả tạ đôi.
– CT Scan:
Trong chẩn đoán u tủy, đặc biệt khi khối u gây hủy xương hoặc bào mòn xương, u hình quả tạ đôi thì CT Scan giúp xác định tình trạng của xương để có những quyết định chính xác về phương pháp điều trị.
Ngoài ra, có thể dùng hình ảnh CT Scan chụp sau khi bơm thuốc cản quang tan trong nước vào khoang giữa màng nhện và màng nuôi rồi tái tạo lại để thay thế cho hình ảnh MRI trong một số trường hợp người bệnh không thể chụp MRI do có dị vật kim loại trong cơ thể, đặt máy tạo nhịp tim hoặc sợ không gian kín. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có giá trị khi không có hình ảnh MRI chứ không thay thế hoàn toàn được.
Các kỹ thuật phát hiện bệnh u tủy ngày càng hiện đại góp phần hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh chính xác và mang lại hiệu quả điều trị cao.
Theo Vnexpress