Mỗi năm không ít người mắc phải căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mang tên sốt xuất huyết. Thế nhưng nhiều người lại không biết được rằng nguyên nhân gây bệnh đến từ đâu để có những phương án phòng tránh.
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, có xu hướng bùng phát thành dịch do loại virus có tên Dengue gây nên. Sự lan truyền nhanh chóng của bệnh là do muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti. Bệnh sốt xuất huyết có diễn biến rất nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán, chữa trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân của bệnh sốt xuất huyết
Chu kỳ lây nhiễm chủ yếu của bệnh như sau: Muỗi cái Aedes hút máu những người nhiễm virus Dengue, sau đó loài virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể của muỗi trong vòng từ 8 – 11 ngày. Những con muỗi này tiếp tục truyền bệnh cho con người khỏe mạnh thông qua việc hút chích máu. Như vậy, những người khỏe mạnh bị muỗi đốt đã nhiễm virus Dengue. Nối tiếp sự tuần hoàn, muỗi Aedes lại hút máu từ những người đó và truyền bệnh sang cho người khác.
Sốt xuất huyết được nhận định là mối đe dọa cho sức khỏe con người, được quan tâm hàng đầu trong vấn đề sức khỏe cộng đồng của nhiều nước trong khu vực châu Á và châu Mỹ. Mỗi năm trên toàn thế giới có tới 50 triệu người nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Căn bệnh này không chỉ bùng phát 1 đợt mà có thể bùng phát nhiều đợt trong năm, cao nhất là vào những tháng có mưa ẩm ướt.
Virus này không lây từ người sang người mà nó lây gián tiếp thông qua muỗi Aedes – trung gian gây bệnh. Virus Dengue là virus có nhân ARN, thuộc nhóm Flavivirus, có bốn típ huyết thanh (D1, D2, D3, D4). Virus Dengue có kháng nguyên đặc hiệu của típ, kháng nguyên chung của nhóm, kháng nguyên đặc hiệu cho từng típ, có thể gây nên những phản ứng chéo sau khi bị nhiễm 1 trong 4 típ trên. Virus Dengue tồn tại trong máu bệnh nhân trong suốt thời gian mang bệnh. Kháng nguyên của virus Dengue có thể tìm thấy ở tuyến ức, phổi, đại thực bào, tế bào Kuffer ở gan, lách hay tế bào monocyt ở máu ngoại biên.
Đặc điểm của loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi Aedes hút máu vào ban ngày, thời gian chủ yếu là vào lúc chiều tối và sáng sớm. Muỗi này có mình nhỏ, đen, thân và chân có đốm trắng. Chúng được gọi là muỗi vằn, thường cư ngụ tại những nơi tối, trong chăn màn, dây phơi, quần áo, chúng thường sống tại các nơi đô thị.
Muỗi Aedes ưa sống ở những nơi rậm rạp, trong những bụi cây, thường gặp nhiều ở nông thôn.
Sau khoảng 8 – 10 ngày hút máu người bệnh là muỗi cái có thể truyền bệnh, virus cho con người. Vòng đời của muỗi khoảng 5 – 6 tháng, có thể truyền bệnh trong suốt vòng đời của mình. Chúng đẻ trứng ở ao hồ, các chậu, lọ, bể… những nơi có nước.
Ngay sau khi hút máu người bệnh, muỗi cái có thể truyền bệnh hoặc virus nhân lên ở tuyến nước bọt của muỗi, muỗi có thể truyền bệnh sau đó 8-10 ngày. Muỗi Aedes sinh sản quanh năm, mạnh nhất là sau mùa mưa. Trứng muỗi mất 11 – 18 ngày để phát triển thành muỗi trưởng thành khi đạt tới nhiệt độ lý tưởng là 29 – 31 độ C.
Một số lưu ý cho các gia đình để phòng bệnh
- Đối với những gia đình có giếng, chum, vại, bể chứa nước,… cần thả cá vàng hoặc cá ăn loăng quăng.
- Không tích trữ nước nếu không cần thiết, đổ hết nước từ những vật dụng chứa nước.
- Không để vật dụng lộn xộn, tạo những khe hở tối cho muỗi sinh sản.
- Nếu nhà có các khe, cần đặt bát nước muối tại khu vực đó.
- Dùng hương muỗi, xịt muỗi,…
Theo Vietnamnet