Ung thư miệng là bệnh lý nguy hiểm nhưng rất ít người biết, bệnh không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới vẻ ngoài gương mặt mà còn đe dọa tới mạng sống của người bệnh. Vì vậy, nhận biết sớm và tầm soát ung thư miệng định kỳ là việc mà ai cũng cần làm.
Khi nào nên đi tầm soát ung thư miệng?
Khác so với các loại ung thư khác, các triệu chứng ung thư miệng ở giai đoạn sớm có thể dễ dàng nhận biết như vết loét ở lưỡi, sàn miệng hoặc niêm mạc má lâu lành. Các vết loét này có thể gây đau, chảy máu hoặc cũng có thể không gây khó chịu gì. Khi tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ hơn mới xuất hiện thêm các biểu hiện như đau ở vết loét, nuốt đau, đau tai, giọng nói bị khản…
Điều bạn cần hết sức lưu ý là nếu có vết loét trong miệng dù không gây đau đớn nhưng sau 3 tuần vẫn không thấy lành thì bạn cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa về ung bướu để bác sĩ đánh giá tổn thương đó có phải là ung thư hay không.
Hiểu về tầm soát ung thư miệng
Khi đi khám chuyên khoa về răng miệng, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để nắm được tiền sử bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định tầm soát ung thư miệng bằng phương pháp CT Scanner (chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) để đánh giá mức độ lan tràn của tế bào ung thư ở vùng đầu cổ hoặc lồng ngực hoặc phát hiện xem có di căn hay không.
Nếu có dấu hiệu ung thư, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện sinh thiết nhằm biết được mức độ tổn thương chính xác của tế bào. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nội soi vùng họng, thanh quản, thực quản, khí quản để tìm tổn thương vì có đến 5-15% bệnh nhân ung thư khoang miệng, họng hoặc thanh quản có thêm một ung thư thứ 2 tại vị trí khác ở vùng đầu cổ.
Sau khi được chẩn đoán lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm nói trên, bệnh nhân sẽ được đánh giá giai đoạn của bệnh. Điều này dựa trên mức độ lan tràn của tế bào ung thư và loại khối u, việc này sẽ có ích cho việc tiên lượng và xây dựng phác đồ điều trị cho người bệnh ung thư miệng.
Hiện nay bệnh được chia thành 4 giai đoạn: I, II, III, IV, trong đó giai đoạn I và II được cho là giai đoạn sớm còn giai đoạn III và IV là giai đoạn muộn. Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có các phương pháp điều trị riêng.
Tương tự như các loại ung thư khác, hiện nay có ba phương pháp điều trị ung thư miệng là phẫu thuật, xạ trị và hoá trị. Bệnh nhân ở giai đoạn sớm chỉ cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc thêm tia xạ. Ở giai đoạn muộn, bác sĩ thường phối hợp cả ba phương pháp điều trị dựa trên tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân.
Theo Sức khoẻ và Đời sống