Chiều 7/8, một bệnh nhân nữ đã tử vong tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương do liên quan đến sốt xuất huyết.
Ngày 8/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, một bệnh nhân nữ là chị N.T.N (36 tuổi, trú ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã tử vong vào chiều 7/8 do liên quan đến sốt xuất huyết. Thông tin cho biết, bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bị sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Đây là ca tử vong thứ 5 được phát hiện tại địa bàn Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 23/6, bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như sốt cao, đau tức hạ sườn và bị sốc. Sau khi xét nghiệm, bệnh nhân được kết luận là sốt xuất huyết, được điều trị tích cực trong gần 1 tháng. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh quá nặng nên bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, có biểu hiện rối loạn đông máu, suy đa tạng, não tổn thương không thể hồi phục. Các bác sĩ đã tiến hành cho bệnh nhân lọc máu liên tục nhưng người bệnh đã không qua khỏi và tử vong vào chiều 7/8.
Như vậy, tại Hà Nội, tính cả trường hợp này thì đã có tới 6 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó, có 4 ca tử vong là người lớn mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh cảnh khác (đái tháo đường, nhiễm khuẩn, rung nhĩ, huyết áp cao) và 1 ca là trẻ em mắc sốt xuất huyết nhưng tử vong do nhiễm trùng huyết.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính (Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, trong hơn 1 tháng qua, mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết. Có ngày cao điểm, bệnh viện phải thăm khám cho 800 – 1200 bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết, chủ yếu đến từ Hà Nội.
Do số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng gia tăng nên để giảm thiểu tình trạng quá tải, sáng ngày 7/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành lập Trung tâm chăm sóc ban ngày tại chính hội trường của bệnh viện. Khu điều trị ban ngày gồm 20 giường bệnh, tiếp nhận điều trị cho hàng chục bệnh nhân được chỉ định điều trị ban ngày, tối sẽ về nhà ngủ.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện cần phải tiếp đón ngay các bệnh nhân sốt xuất huyết khi đến điều trị, không được để người bệnh phải nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang, tiến hành sàng lọc bệnh nhân để phân tuyến phù hợp.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã xảy ra 71.410 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 24% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó các tỉnh miền nam chiếm tới 59% số ca mắc bệnh. Tại các tỉnh phía bắc, thành phố Hà Nội là địa bàn có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết cao nhất, chiếm 73,7% khu vực phía bắc.
Chỉ trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm 2.745 ca mắc sốt xuất huyết mới. Tính từ đầu năm, thành phố có khoảng 11.751 bệnh nhân, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Trì…
Các chuyên gia y tế cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Biện pháp phòng chống tích cực vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và tránh muỗi đốt.
Khi ở trong vùng dịch, nếu bị sốt mà uống thuốc hạ sốt không khỏi thì người dân có thể bị sốt xuất huyết. Các đối tượng như người già, trẻ nhỏ, người bệnh mãn tính… cần đi khám kịp thời để tránh bệnh chuyển biến nặng ngay những ngày đầu tiên.
Theo Sức khoẻ & Đời sống