Quế Nhục
Mô tả cây thuốc Quế Nhục
Quế nhục là vỏ thân, cành của Quế, cây thân gỗ cao 10-15m, phân cành nhiều, có vỏ dày và sù sì. Lá mọc đối, hình trái xoan thuôn, nguyên, nhọn, dài 10-18cm, rộng 4-5cm, có 3 gân chính rõ. Cụm hoa là những xim có hoa đều, màu trắng, đế hoa dạng chén, trên mép chén dính các mảnh bao hoa và các nhị; bầu 1 ô chứa 1 noãn ở gốc đáy chén. Quả mọng, dài 1-1,5cm, màu đen. Quế ra hoa tháng 1-3, quả tháng 8-9.
Phân bố:
Ở nước ta, Quế mọc hoang và được trồng từ Nghệ An trở vào Côn Sơn, Phú Quốc. Ngoài ra, quế còn phân bố ở Tây Ấn Ðộ, Xri Lanca và được trồng ở nhiều xứ nhiệt đới khác.
Cây Quế
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Quế nhục là vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến khô của cây (Cinnamomum cassia Presl.) hoặc một số loài Quế khác (Cinnamomum sp.). Đó là những mảnh vỏ dày 1 mm trở lên, dài 50cm, thường cuộn tròn thành ống. Mặt ngoài màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá. Mặt trong màu nâu hơi đỏ đến nâu sam, nhẵn. Quế rất dễ bẻ gãy, vết bẻ có màu nâu đỏ, có ít sợi tơ. Dược liệu Quế nhục có mùi thơm đặc trưng, vị cay, ngọt.
Thu hái,sơ chế: Vỏ thân, cành, thu hái vào mùa hạ, mùa thu. ủ hoặc để nguyên cho khô dần ở chỗ râm mát, thoáng gió. Có thể cất lấy tinh dầu.
Bộ phận dùng, bào chế:
Thân được cắt vào thời kỳ nóng nhất, loại bỏ vỏ khi bắt đầu vào thu, phơi khô dưới nắng và cắt thành lát mỏng hay cạo sạch lớp vỏ thô, rửa sạch, thái phiến, phơi trong râm cho khô hoặc tán bột.
Tính vị: Cay, ngọt và tính nóng.
Qui kinh: Vào kinh thận, tỳ, tâm và can.
Thành phần hóa học:
Vỏ giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2-1,5%) nhưng tinh dầu lại giàu aldehyd cinnamic (80,85%). Không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin.
Tác dụng của Quế nhục: Ấm dạ dày, trừ lạnh, bổ trung ích khí, hoạt huyết thư cân, giải biểu thông mạch, sát khuẩn giảm đau.
Chủ trị:
– Ðau dạ dày và đau bụng, tiêu chảy.
– Choáng, cảm lạnh, buốt các ngón tay chân.
– Ho hen, đau khớp và đau lưng.
– Bế kinh, thống kinh.
– Huyết áp cao, tê cóng.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
– Trị Thận dương suy biểu hiện như chân tay lạnh, lưng đau, gối mỏi, liệt dương và hay đi tiểu: Dùng Nhục quế với Phụ tử, Sinh địa, Đơn bì, Trạch tả, Bạch linh, Sơn dược và Sơn thù (Quế Phụ Bát Vị Hoàn)
– Trị Tỳ Thận dương hư biểu hiện như đau lạnh ở thượng vị và vùng bụng, kém ăn, phân lỏng: Dùng Nhục quế với Can khương, Bạch truật và Phụ tử (Quế Phụ Lý Trung Hoàn).
– Hàn tà ngưng trệ ở kinh lạc biểu hiện như đau lạnh thượng vị và bụng, đau lưng dưới, đau toàn thân, kinh nguyệt không đều, ít kinh nguyệt: Dùng Nhục quế với Can khương, Ngô thù du, Đương quy và Xuyên khung (Lâm sàng trung dược học thủ sách).
– Trị nhọt mạn tính: Dùng Nhục quế với Hoàng kỳ và Đương quy (Lâm sàng trung dược học thủ sách).
Liều dùng: 2 – 6g.
Kiêng kỵ:
– Âm hư, nội nhiệt không dùng.
– Phụ nữ có thai dùng với sự chỉ dẫn của thầy thuốc.