Giỏ hàng

Thảo Quả

Thảo Quả

(Amomum tsaoko)
Tên khoa học: Amomum tsaoko Crevost et Lem. Họ Gừng (Zingiberaceae).
Tên gọi khác: Còn gọi là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu.
Mô tả cây thuốc: 

Thảo quả là cây thảo sống lâu năm, cao 2-3m. Thân rễ mọc ngang, có nhiều đốt, đường kính to tới 2,5-4cm. Lá mọc so le, có cuống hay không; bẹ lá có khía dọc; phiến lá dài tới 70cm, rộng 20cm, nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu nhạt hơn. Cụm hoa dạng bông mọc từ gốc, dài 13-20cm; hoa màu đỏ nhạt. Quả hình trứng, màu đỏ sẫm, đường kính 2-3cm, chia 3 ô, mỗi ô có khoảng 7 hạt có áo hạt, thơm. Ra hoa tháng 5-7, có quả tháng 8-12.

Phân bố:

Cây Thảo quả phân bố ở Ấn Độ, Nêpan, Nam Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng ở vùng núi cao lạnh, dưới tán rừng cây to, đất ẩm nhiều mùn thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, …

Thu hái, sơ chế: Lựa quả chưa chín, hái về phơi hoặc sấy nhẹ lửa cho khô (thường 3-4 ngày).

Bào chế:

+ Dùng Cám hòa với nước sôi cho dẻo, bọc Thảo quả rồi nướng, bỏ xác và xơ trắng ở bên trong đi, để dành dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Dùng bột mì trộn với nước sôi cho dẻo, bọc Thảo quả, nướng chín, bỏ vỏ lấy nhân dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Mô tả Dược liệu:

Vị thuốc Thảo quả là quả hình bầu dục dài, 2-4,5 cm, đường kính 1,5 – 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu đến hơi nâu đỏ, có rãnh và cạnh gờ dọc, đầu quả có vết tích của vòi nhụy hình tròn nhô lên, phần đáy có cuống quả hoặc sẹo cuống quả. Vỏ quả chất bền, dai. Bóc lớp vỏ quả thấy bên trong ở phần chính giữa có màng vách ngăn màu nâu hơi vàng, phân chia khối hạt thành 3 phần, có các hạt nhỏ hình nón. Có mùi thơm đặc trưng, vị cay hơi đắng.

Tính vị: Vị cay, tính ôn

Quy kinh: Vào kinh tỳ, vị

Thành phần hóa học: Thảo quả có tinh dầu 1 – 3%. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm ngọt, vị nóng cay dễ chịu.

Tác dụng của Thảo quả: Táo thấp kiện tỳ, khu đàm tiệt ngược, tiêu thực trừ hàn.

Chủ trị:

– Làm thuốc chữa đau bụng đầy trướng, ngực đau, nôn oẹ, ỉa chảy, trị sốt rét, lách to; còn dùng ngâm nuốt nước, chữa hôi mồm, ho, chữa đau răng, viêm lợi.

– Thảo quả còn được dùng làm gia vị ăn liền với thịt, cá (khi nấu để cả quả, nhưng sau đó lấy ra vì nồng). Cũng thường được dùng để thêm vào một số bánh kẹo.

Liều dùng: 3-6 g dạng thuốc bột, thuốc sắc hoặc thuốc viên.

Độc tính: Dùng quá liều có thể gây ói mửa.

Kiêng kỵ: Âm hư, khí suy, không có hàn hoặc thấp tà không dùng.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị bụng đau, bụng đầy do hàn thấp tích trệ: Thảo quả (nướng) 6g, Hậu phác, Hoắc hương đều 10g, Thanh bì, Bán hạ, Thần khúc đều 6g, Cao lương khương 6g, Đinh hương, Cam thảo đều 4g, Sinh khương, Đại táo 10g, sắc uống (Thảo Quả Ẩm – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trị tiêu hóa rối loạn do ăn uống, không tiêu, tích thực, gây vùng thượng vị đầy đau: Thảo quả (nướng) 6g, Thương truật, Hậu phác, Trần bì, Sinh khương đều 10g, Cam thảo 4g, Đại táo 3 quả, sắc uống (Thảo Quả Bình Vị Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trị miệng hôi: Thảo quả gĩa dập, ngậm nuốt dần (Dược Liệu Việt Nam).

+ Trị sốt rét, tiêu chảy: Thảo quả 10g, Kha tử 10g, Gừng sống 7 lát, Táo đen 7 quả, nước 300ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày (Dược Liệu Việt Nam).

Nguồn:

SẢN PHẨM NẤM LIM XANH

Rừng Tự Nhiên 100%
Chế Biến Gia Truyền
Chất Lượng Đảm Bảo
Miễn Phí Vận Chuyển
Hotline Button Zalo Button Location Button Location Button