Bệnh vảy nến là bệnh lý mạn tính và cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, một số yếu tố được coi là tác nhân khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn có thể kể đến như căng thẳng, dùng thuốc,…Đặc biệt, ở nhiều bệnh nhân vảy nến khẳng định rằng, rượu bia có thể làm bùng phát bệnh.
Nghiên cứu cho rằng, bệnh vảy nến trải qua một khoảng thời gian thì có thể trở nặng hơn và thường do vấn đề cảm xúc. Bệnh gây ngứa ngáy, mất thẩm mỹ khiến người bệnh trở nên tự ti, thậm chí có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.
Trong một số nghiên cứu về chất lượng cuộc sống đã khẳng định rằng phần trăm số bệnh nhân bị vảy nến thừa nhận là đang gặp vấn đề với việc uống rượu có thể lên tới 32%. Theo đó, có thể thấy được rất nhiều bệnh nhân bị vảy nến từ nhẹ đến nặng đều mắc chứng nghiện rượu. Đồng thời, mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và đồ uống có cồn đã được khẳng định – uống rượu làm tăng nguy cơ khởi phát cũng như làm trầm trọng bệnh hơn.
Đồ uống có cồn nói chung và rượu nói riêng làm suy yếu các đáp ứng miễn dịch khiến bệnh nhân bị vảy nến dễ nhiễm trùng, từ đó có thể kích hoạt và làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Theo nhiều nghiên cứu, bệnh nhân bị vảy nến nặng nhưng không uống rượu thường cho kết quả bệnh được cải thiện rõ rệt. Đối với những bệnh nhân đã bỏ rượu nhưng lại uống trở lại phải trải qua những đợt bùng phát bệnh nghiêm trọng.
Trong một nghiên cứu về phụ nữ Mỹ, kết quả nghiên cứu lại cho thấy rằng, nguy cơ của bệnh vảy nến khác nhau theo số lượng và loại đồ uống có cồn được tiêu thụ. “Bia không nhẹ” là loại đồ uống có cồn duy nhất làm tăng nguy cơ cho bệnh vảy nến, cho thấy các thành phần không chứa cồn trong bia, vốn không tìm thấy trong rượu vang hay rượu nặng, lại có thể đóng vai trò quan trọng trong đợt khởi phát mới của bệnh vảy nến.
Điều này không phải để khẳng định các thức uống có cồn là an toàn, bởi vì vodka và các loại rượu mạnh khác đã được chứng minh là làm tăng mức độ nặng của bệnh trong các nghiên cứu khác.
Tóm lại, cần cẩn trọng với đồ uống có cồn tăng nguy cơ bị vảy nến, tốt nhất không nên uống khi đang trong quá trình điều trị vảy nến bằng các loại thuốc điều trị như: Methotrexate, Cyclosporine, và Acitretin.
Ngoài ra, rượu còn ảnh hưởng đến tuyến yên, dẫn đến giảm tiết các hormon chống lợi tiểu duy trì độ ẩm thích hợp của cơ thể, thận không còn khả năng tái hấp thu nước từ nước tiểu nữa và cơ thể trở nên thiếu nước, khiến cơ thể mệt mỏi, đau lưng, đau cổ, ngứa tăng, nhức đầu…
Tuy vẫn còn những tranh cãi xung quanh nguy cơ của bệnh vảy nến có bị ảnh hưởng bởi rượu hay đồ uống có cồn hay không, nhưng các chuyên gia vẫn khuyên nên hạn chế lượng rượu uống vào cơ thể. Đặc biệt, trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh vảy nến, bệnh nhân càng nên giảm bớt hoặc bỏ hoàn toàn việc uống rượu bia, thức uống có cồn, bất kể thể bệnh nào, kể cả khi bệnh đang trong giai đoạn bùng phát. Còn với trường hợp bệnh đang trong giai đoạn hồi phục, cũng cần kiểm soát lượng rượu bia uống vào có chừng mực.
Bệnh vảy nến và đồ uống có cồn đã được khẳng định có mối liên hệ mật thiết với nhau, đồ uống có cồn chính là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát bệnh vảy nến. Do đó, nên hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng đồ uống có cồn để tránh nguy cơ bệnh tái diễn.
Theo Sức khỏe & đời sống