Viêm họng hạt là tình trạng viêm nhiễm kéo dài và liên tục ở niêm mạc vùng hầu họng và amidan, dẫn tới hiện tượng các mô lympho ở thành sau họng phình lên, bệnh có thể gặp phải nhiều lần. Vậy đâu là nguyên nhân viêm họng hạt tái phát?
Nhận diện viêm họng hạt
Bệnh viêm họng hạt là một dạng của viêm họng mạn tính, bệnh được hình thành do tình trạng viêm họng kéo dài dẫn đến sự phát triển quá độ của các tổ chức lympho ở thành sau họng tạo nên các hạt. Bệnh tích các hạt này lan khắp họng hoặc khu trú thành những đảo lympho lớn kích thích, làm xuất hiện triệu chứng viêm họng hạt như ngứa họng, vướng họng, hay phải khạc nhổ kèm theo là phản xạ ho. Có thể ho húng hắng hay ho từng cơn. Cảm giác này thường rất rõ rệt về buổi sáng lúc mới thức dậy.
Người bệnh phải cố ho khạc, đằng hắng để làm long đờm, ngoài ra còn cảm giác nuốt vướng là nuốt đau. Bệnh nhân có cảm giác nóng cay trong họng kèm theo ngứa, ho cơn. Cơn ho thường xuất hiện lúc bắt đầu đi ngủ. Nằm nghiêng bên nào thì tắc mũi ở bên đó. Tiếng nói có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Khi bị bệnh rất hay buồn nôn và có nhiều phản xạ họng. Những người uống rượu, hút thuốc lá, hoặc nói nhiều thì các triệu chứng trên lại tăng thêm.
Đối với bệnh viêm họng hạt sẽ thấy niêm mạc họng đỏ, dày, ướt, có những hạt ở thành sau họng. Có dịch tiết nhầy dọc theo vách họng. Có khi các cơ họng cũng quá phát. Bên cạnh mỗi trụ sau có một cái nẹp giả do niêm mạc bị quá phát. Thành sau họng có nhiều mảng quá sản dày, bóng và đỏ. Màn hầu và lưỡi gà dày, eo họng bị hẹp.
Ở giai đoạn sau của giai đoạn viêm quá phát sẽ chuyển sang thể teo, chính vì thế càng ngày bệnh viêm họng hạt càng đỡ dần. Các tuyến nhầy và nang tổ chức tân xơ hóa. Hai trụ giả phía sau hai amidan mất đi. Các hạt ở thành sau họng cũng biến mất. Niêm mạc họng trở nên nhẵn, mỏng, trắng và có mạch máu nhỏ. Màn hầu và lưỡi gà mỏng đi. Eo họng doãng rộng, ít tiết nhầy và họng trở nên khô. Tuy nhiên bệnh cũng có khả năng tái phát rất cao cần chú ý đến nguyên nhân viêm họng hạt tái phát.
Nguyên nhân viêm họng hạt tái phát
Bệnh viêm họng hạt mặc dù không phải là bệnh quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Người bị viêm họng hạt thường gặp khó khăn trong giao tiếp do ngứa, vướng họng khi đang nói chuyện, vừa nói vừa phải dừng lại để khạc đờm.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, muốn điều trị viêm họng hạt dứt điểm cần phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh để giải quyết.
Nguyên nhân gây bệnh dễ nhất là hậu quả bắt nguồn do viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau. Dịch xuất tiết chảy từ các xoang xuống thành sau họng khiến niêm mạc thành sau họng bị lớp chất nhầy bao phủ, khó hoạt động để thực hiện các chức năng sinh lý đặc biệt làm sạch, vì vậy vi khuẩn dễ phát triển làm họng viêm thường xuyên – đây là điều kiện để viêm họng tái phát và từ đó các hạt ở thành sau họng xuất hiện.
Viêm họng hạt cũng có thể xuất hiện do viêm amidan mãn tính, vì viêm amidan thực chất cũng là một dạng viêm họng khu trú ở amidan khẩu cái – cũng là tổ chức lympho ở thành sau họng. Khi người bệnh cắt amidan thì đôi khi viêm họng hạt cũng xuất hiện, thậm chí nặng hơn do các tổ chức lympho thành sau họng phát triển để bù đắp lại phần đã bị cắt bỏ.
Một nguyên nhân cũng được đưa ra là Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản nghiên cứu để điều trị viêm họng hạt. Sự xuất hiện thường xuyên của dịch dạ dày làm pH của vùng họng giảm, niêm mạc họng trước đây hoạt động trong môi trường kiềm nhẹ nay lại phải hoạt động trong môi trường acid – là môi trường thích hợp cho các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động.
Những người suy gan, rối loạn dạ dày ruột, rối loạn nội tiết có tỷ lệ mắc viêm họng hạt ở cao gấp 3 – 4 lần người khác. Điều này đặc biệt rõ nét ở bệnh tiểu đường (họng đỏ và khô), tạng khớp (niêm mạc họng đỏ quá phát), trĩ mũi: niêm mạc họng teo, nhẵn khô và có vảy thối.
Phòng ngừa tái phát
Để điều trị bệnh và ngăn ngừa những nguyên nhân viêm họng hạt tái phát xuất hiện cần kiêng rượu, bia, thuốc lá, có chế độ ăn uống điều độ, tránh khói bụi, hơi độc. Khi bị viêm họng cấp cần điều trị dứt điểm, không để kéo dài trở thành mạn tính.
Viêm họng hạt được điều trị như thế nào?
Để điều trị bệnh viêm họng hạt đạt kết quả tốt nhất cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị tại chỗ có ý nghĩa quan trọng: thay đổi môi trường họng bằng các dung dịch BBM, nước muối sinh lý 0,9%. Làm ẩm niêm mạc họng bằng SMC, khí dung họng với tinh dầu hoặc các thuốc giảm viêm.
Giai đoạn quá phát: đốt các hạt lympho ở trụ sau bằng cô te điện hoặc nitơ lỏng, laser…
Giai đoạn teo: Khí dung nước biển từng đợt, kéo dài. Uống vitamin C và vitamin A để tăng sức đề kháng niêm mạc.
Theo Sức khỏe & đời sống