Bệnh ung thư biểu mô phế quản – phế nang, chiếm khoảng 2-14% trong tất cả các loại ung thư phổi. Tổ chức Y tế thế giới WHO phân loại ung thư biểu mô phế quản – phế nang là ung thư biểu mô tuyến, một loại ung thư phổi thường gặp hơn ở những người không hút thuốc lá.
Tổng quan về ung thư biểu mô phế quản – phế nang
Ung thư biểu mô phế quản – phế nang là bệnh phát triển ở các tế bào gần phế nang tại các vùng ngoài phổi. Bệnh thường lan rộng dọc theo mô phân tách phế nang, hoặc qua đường hô hấp. Bệnh ung thư biểu mô phế quản – phế nang chủ yếu chỉ lan trong phổi. Nó có thể xuất hiện là một đốm duy nhất ở ngoại vi phổi, hoặc các điểm rải rác trong phổi.
Theo các chuyên gia y tế, có 2 loại ung thư biểu mô phế quản – phế nang chính gồm:
Ung thư biểu mô phế quản – phế nang không tiết nhầy: Đây là bệnh phổ biến và thường gặp ở những người hút thuốc.
Ung thư biểu mô phế quản – phế nang tiết nhầy: Căn bệnh phổ biến và thường gặp ở những người không hút thuốc lá.
Ung thư biểu mô phế quản – phế nang là căn bệnh có tỷ lệ người mắc bệnh đang có chiều hướng tăng, đặc biệt ở phụ nữ trẻ không hút thuốc.
Triệu chứng ung thư biểu mô phế quản – phế nang
Các triệu chứng của bệnh ung thư biểu mô phế quản – phế nang cũng tương tự như triệu chứng thường gặp ở các loại ung thư phổi khác, bao gồm: ho ra máu, ho lâu không khỏi và đau ngực. Đây cũng được xem là căn bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh viêm phổi hoặc các bệnh phổi khác nên các bác sĩ khuyến cáo cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán chính xác bệnh.
Chẩn đoán bệnh ung thư biểu mô phế quản – phế nang
Loại trừ một vài trường hợp đặc biệt, việc chẩn đoán bệnh ung thư biểu mô phế quản – phế nang cũng tương tự như chẩn đoán các loại ung thư phổi khác. Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ cần một mẫu mô và sinh thiết kim hút nhỏ có thể chẩn đoán trong khoảng một nửa thời gian. Không giống như các loại ung thư phổi khác (chụp PET và chụp CT có thể hiệu quả trong việc xác định vị trí ung thư), chụp PET không phải là phương pháp đáng tin cậy đối với việc chẩn đoán ung thư biểu mô phế quản – phế nang.
Điều trị ung thư biểu mô phế quản – phế nang như thế nào?
Có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư biểu mô phế quản – phế nang. Phẫu thuật là một lựa chọn điều trị căn bệnh này, nếu có thể cắt bỏ một khối u đơn lẻ thì cơ hội điều trị thành công bệnh sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, hóa trị liệu truyền thống thường ít nhạy cảm trong điều trị bệnh và vẫn còn tranh cãi về việc có áp dụng hóa trị liệu bổ trợ cùng với phẫu thuật hay không.
Ung thư biểu mô phế quản – phế nang thường nhạy cảm hơn với các liệu pháp điều trị đích mới – phương pháp điều trị được áp dụng để tấn công trực tiếp khối u và tránh các mô lành. Ghép phổi đang được xem là một liệu pháp điều trị bổ sung. Nếu ung thư không tái phát ở phổi ghép thì có thể kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
Tiên lượng bệnh ung thư biểu mô phế quản – phế nang
Theo các bác sĩ, những người mắc phải bệnh ung thư biểu mô phế quản – phế nang có tỷ lệ sống thêm cao hơn những loại ung thư phổi không phải tế bào nhỏ khác, đặc biệt khi bệnh được phát hiện sớm và mới chỉ xuất hiện một khối u. Theo một nghiên cứu, những người được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô phế quản – phế nang và có khối u với đường kính dưới 3cm thì tỷ lệ sống thêm 5 năm sau phẫu thuật là 100%.
Nếu bệnh phát hiện muộn tỷ lệ sống thêm khác nhau theo thời điểm phát hiện bệnh, phụ thuộc vào các yếu tố như khối u riêng biệt trong cùng thùy, di căn hạch và vị trí di căn xa của khối u.
Theo Sức khỏe và Đời sống