Tam Thất
(Panax pseudoginseng)
Dược Liệu Tam Thất có tên gọi khác: Tam thất, Sâm tam thất, Kim bất hoán.
Tên khoa học: Panax pseudoginseng. Họ Ngũ Gia Bì (Araliaceae).
Mô tả cây thuốc:
Tam thất là cây thảo sống nhiều năm, thân cao 30-50cm. Lá kép chân vịt, mọc vòng 3-4 cái một; cuống lá chung dài 3-6cm, mang 3-7 lá chét hình mác dài, mép khía răng, có lông cứng ở gân trên cả hai mặt; cuống lá chét dài 0,6-1,2cm. Cụm hoa tán đơn ở ngọn thân; hoa màu lục vàng nhạt với 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị và bầu dưới 2 ô. Quả mọng hình cầu dẹt, khi chín có màu đỏ; hạt hình cầu, màu trắng. Ra hoa tháng 5-7, quả chín tháng 8-10.
Củ Tam thất
Bộ phận dùng làm thuốc: Thân rễ và rễ củ. Đào vào mùa xuân hoặc đông (tốt hơn vào mùa xuân), rửa sạch phơi nắng.
Phân bố và thu hái:
Loài của Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng nhiều từ lâu ở Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng tại các vùng núi cao lạnh 1200-1500m. Người ta chọn hạt giống tốt ở những cây đã mọc 3-4 năm, gieo hạt tháng 10-11, tháng 2-3 cây mọc, nhưng phải chờ 1 năm sau, vào tháng 1-2 mới bứng cây con đi trồng chính thức. Sau 4-5 năm đến 7 năm thì mới thu hoạch được rễ củ có phẩm chất tốt. Rửa sạch bùn đất, cắt bỏ rễ con, phơi nắng cho héo rồi lăn và vò, làm từ 3-5 lần như vậy rồi phơi cho đến khô, cũng có khi chỉ cần sấy khô.
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Tam thất là phần rễ củ hình trụ hoặc khối, hình thù thay đổi, dài khoảng 1,5 – 4 cm, đường kính 1 – 2 cm. Mặt ngoài củ màu vàng xám nhạt, trên mặt có những nét nhăn nhỏ theo chiều dọc. Khi chưa chế biến có lớp vỏ cứng bên ngoài, khó bẻ và khó cắt. Có thể tách riêng khỏi phần lõi. Củ có mùi thơm nhẹ đặc trưng của tam thất. Rễ củ trồng lâu năm, củ càng to, nặng giá trị càng cao.
Thành phần hóa học:
Củ Tam thất có các chất như Acid amin, hợp chất có nhân Sterol, đường, các nguyên tố Fe, Ca và đặc biệt là 2 chất Saponin: Arasaponin A, Arasaponin B. Saponin trong tam thất ít độc
Bộ phận dùng làm thuốc: Thân rễ và rễ củ. Đào vào mùa xuân hoặc đông (tốt hơn vào mùa xuân), rửa sạch phơi nắng.
Tác dụng dược lý:
– Có tác dụng kích thích nhẹ ở liều thấp làm tăng vận động, tăng trí nhớ nhưng tác dụng ức chế ở liều cao đối với hệ thần kinh, làm tăng sinh lực chống lại sự mệt mỏi, giúp hồi phục sức lực tương tự nhân sâm, làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống.
– Tác dụng bảo vệ tế bào giúp hồi phục số hồng cầu, bạch cầu bị giảm.
– Tăng nội tiết tố sinh dục; tác dụng kháng viêm, tác dụng điều hoà hoạt động của tim
– Hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch.
– Giải độc gan và tác dụng kháng khuẩn nhất là đối với Streptococcus gây bệnh viêm họng.
Tính vị: Vị ngọt, hơi đắng, tính ôn.
Tác dụng của Tam thất:
– Chỉ huyết, phá huyết tán ứ, tiêu thũng định thống và tư bổ cường tráng.
– Tăng lực rất tốt, tác dụng này giống với tác dụng của nhân sâm, rút ngắn thời gian đông máu, tiêu máu ứ và tăng lưu lượng máu ở động mạch vành của động vật thí nghiệm. Làm tăng sức co bóp cơ tim ở liều thấp, tác dụng kích dục, đối với chức năng nội tiết sinh dục nữ, thể hiện ở các hoạt tính oestrogen và hướng sinh dục, giãn mạch ngoại vi và không ảnh hưởng đến huyết áp và hệ thần kinh trung ương, điều hòa miễn dịch, kích thích tâm thần, chống trầm uất.
– Cầm máu và giải ứ trệ. Hoạt huyết và giảm đau. có thể dùng như nhân sâm làm thuốc bổ; tăng lực, chống suy nhược, hồi phục sức lực bị suy giảm, kích thích nội tiết sinh dục, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan, điều hoà thần kinh trung ương, điều hoà tim mạch, chống xơ vữa động mạch, giảm đường huyết. Lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng.
Liều lượng và cách dùng:
– Theo Dược điển Việt Nam, liều lượng uống từ 4 đến 5g mỗi ngày; theo tài liệu nước ngoài lại ghi uống từ 6 – 10 g mỗi ngày.Một số trường hợp bệnh nhân ung thư dùng từ 10 – 20 g mỗi ngày chia làm 4 đến 5 lần uống.Tam thất dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng bột, dùng ngoài có tác dụng cầm máu tại chỗ.
– Người ta dùng tam thất để hỗ trợ điều trị ung thư bằng cách lấy bột sống uống bằng thìa nhỏ chiêu với nước lọc nguội hoặc dùng dạng thái lát ngậm nhai rồi nuốt. Trên thực tế một số người nhai tam thất sống đã bị rộp niêm mạc miệng, vì vậy có thể dùng bột hoặc thái lát tam thất hãm với nước sôi uống cả nước nhai cả bã vừa đơn giản giữ được hương vị, hoạt chất dễ bay hơi không mất đi, vừa có tác dụng tốt
Lưu ý: Tác dụng của hoa tam thất còn phụ thuộc vào thể trạng của từng người..Phụ nữ có thai tuyệt đối không được uống tam thất.