Vì sao ung thư không chữa được? Tại sao y học dù rất hiện đại nhưng vẫn chưa chữa khỏi ung thư? Triệu chứng, dấu hiệu ung thư là gì? Những quan niệm sai lầm nào khiến nhiều bệnh nhân bị ung thư gặp khó khăn trong việc chữa trị kịp thời, từ đó làm tăng nguy cơ tử vong. Bài viết dưới đây sẽ trả lời những câu hỏi này.
Vì sao ung thư không chữa được là thắc mắc chung của rất nhiều người. Với sự phát triển không ngừng của y học hiện đại, nhiều căn bệnh tưởng như là vô phương cứu chữa vẫn có thể chữa trị, mang lại niềm tin, cuộc sống mới cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với bệnh ung thư, các bác sĩ vẫn phải “bó tay”, chuyên gia phải lắc đầu dù đã áp dụng mọi cách. Tại sao lại như vậy?
Vì sao ung thư không chữa được?
Trên thực tế, bệnh ung thư có thể chữa, thậm chí là chữa khỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp. Đa phần, bệnh nhân ung thư thường có thời gian sống khá ngắn, chỉ từ vài tháng đến 2, 3 năm. Tuy nhiên, những nguyên nhân vì sao bệnh ung thư không chữa được không nằm ở phương pháp điều trị mà do sự thiếu hiểu biết về những vấn đề cơ bản của bệnh.
Xạ trị ung thư bao nhiêu tiền? Chi phí xạ trị ung thư tốt nhất
Bệnh ung thư là gì?
Ung thư không phải là một bệnh mà là một nhóm các bệnh có liên quan đến sự phân chia tế bào. Khi các tế bào tăng sinh một cách vô tổ chức và không thể kiểm soát, chúng sẽ tạo nên khối u, có thể lành tính và ác tính. Khối u ác tính được gọi ung thư. Chúng có khả năng lây lan ra những mô khác bằng cách sinh trưởng tại mô lân cận hoặc qua đường máu và bạch huyết để di chuyển đến nơi xa (di căn).
Nguyên nhân không chữa trị được bệnh ung thư
Theo BS. Phạm Thị Việt Hương (bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội), nguyên nhân vì sao ung thư không chữa được thường do quan niệm sai lầm dưới đây.
Bệnh nhân ung thư sẽ nhanh chết nếu đụng “dao kéo”
Phẫu thuật cắt bỏ khối u là một trong những phương pháp cơ bản để loại bỏ mầm mống ung thư. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bị ung thư mà đụng “dao kéo” sẽ càng nhanh chết. Quan niệm sai lầm này khiến không ít người tử vong sớm. Khi biết mình mắc bệnh, nhiều người đã không đến cơ sở y tế để điều trị, tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Thay vào đó, họ nghe theo lời truyền miệng, uống những thứ lá không rõ nguồn gốc. Từ đó, người bệnh đánh mất “thời gian vàng” chữa trị. Chỉ sau khi uống thuốc lá không có hiệu quả, bệnh tình tiến triển xấu, họ mới hoàn toàn nghe theo bác sĩ.
Không nên bồi dưỡng cho người bị ung thư
Rất nhiều người nghĩ rằng chỉ nên bồi bổ cho bệnh nhân ung thư trong giai đoạn điều trị. Khi tạm dừng, họ chỉ để người bệnh ăn gạo lức, muối vừng… để cơ thể gầy yếu, không có dinh dưỡng nuôi khối u, từ đó làm khối u teo dần. Tuy nhiên, quan niệm này không chỉ ảnh hưởng rất xấu đến quá trình chữa bệnh mà còn làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân, tăng tỷ lệ biến chứng và nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Hương, người bệnh cần được ăn đủ chất, đặc biệt là rau củ và trái cây, thực phẩm giàu vitamin, chất chống oxy hóa…
Bị ung thư là một bản án tử hình
Với nhiều người, bị bệnh ung thư đồng nghĩa với việc bị tuyên án tử. Thực tế là bệnh ung thư chữa được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một trong số đó là tâm lý của người bệnh.
Vì vậy, khi mắc ung thư, bệnh nhân cần giữ một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Không nên vì bị bệnh mà từ bỏ chữa trị, u sầu, bất cần…
Không chữa khỏi ung thư vì không nắm được dấu hiệu của bệnh
Ngoài quan niệm sai lầm, nguyên nhân vì sao ung thư không chữa được còn do đa phần người bệnh không nắm được những triệu chứng của bệnh. Theo các bác sĩ, ung thư là bệnh không có dấu hiệu đặc trưng, rõ ràng ở giai đoạn đầu. Đặc biệt, nhiều triệu chứng còn dễ nhầm lẫn với các loại bệnh khác khiến người nhầm lẫn, chủ quan. Vì vậy, họ chỉ đi khám khi ung thư đã ở giai đoạn nặng, rất khó chữa và tỷ lệ thành công cũng không cao.
Dấu hiệu bệnh ung thư
Theo một trang web chuyên về ung thư tại Mỹ và Tạp chí Bệnh gan và dạ dày lâm sàng, 16 triệu chứng phổ biến nhất cảnh báo ung thư sớm là:
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Sốt hoặc thường xuyên bị nhiễm trùng
- Thở khò khè hoặc khó thở
- Cơ thể tự nhiên yếu đi
- Ho mãn tính, đau ngực
- Đau bụng đầy hơi không rõ nguyên nhân
- Ợ nóng mạn tính
- Bị bệnh về đường ruột
- Khó nuốt
- Bị vàng da hoặc vàng lòng trắng trong mắt
- Nổi khối u bất thường trong cơ thể
- Mọc nốt ruồi, da dẻ dễ bị chảy máu, viêm loét
- Móng tay móng chân xuất hiện đốm nâu đen hoặc sọc
- Tự nhiên bị đau vùng chậu hoặc bụng
- Đau lâu ở một vị trí mà không rõ lý do
- Bị chảy máu bất thường
Khi cơ thể có những dấu hiệu trên, bạn cần lập tức đi khám để được chẩn đoán chính xác và kịp thời.
Phương pháp điều trị ung thư
Tùy từng loại bệnh ung thư mà bác sĩ sẽ chỉ định những phác đồ chữa trị khác nhau. Song, phổ biến nhất hiện nay vẫn là 3 phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u thường được áp dụng ở giai đoạn đầu bệnh ung thư. Lúc này, số lượng khối u là rất ít và chúng chỉ tập trung ở một khu vực nhất định.
- Hóa trị ung thư là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc được đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Trong quá trình làm hóa trị, người bệnh có thể bị rụng tóc, mệt mỏi, chán ăn…
- Xạ trị là phương pháp chữa ung thư sử dụng các tia năng lượng cao. Các tia này sẽ được chiếu vào cơ thể người bệnh nhằm thu nhỏ khối u. Xạ trị có thể gây tác dụng phụ như khô da, rụng lông/tóc, mất năng lượng…
Xem thêm: Tại sao ung thư đã chữa khỏi lại tái phát?
.