Mạch Nha
(Fructus Hordei germinatus)
Tên khác: Lúa mạch, Đại mạch, Mâu mạch, Nhu mạch, Nếp mạch.
Tên khoa học: Fructus Hordei germinatus.
Bộ phận dùng: Quả chín của cây Đại mạch làm mọc mầm, sấy ở nhiệt độ dưới 600C (Fructus Hordet germinatus).
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Mạch nha hình thoi dài 8 – 12 mm, đường kính 3 – 4 mm, mặt ngoài màu vàng nhạt, trên lưng có mày bao quanh với 5 đường gân và râu dài đã gẫy rụng. Phía bụng được bao trong mày hoa, bóc bỏ vỏ ngoài thấy mặt bụng có một rãnh dọc, phần dưới mọc ra mầm non và rễ con, mầm non dài dạng mũi mác, dài 0,5 cm với vài sợi rễ nhỏ cong queo. Chất cứng, mặt bẻ gẫy màu trắng có tinh bột. Không mùi, vị hơi ngọt.
Thành phần hóa học:
Trong mạch nha cũng như trong thóc nảy mầm có tinh bột, chất béo, chất protit, đường mantoza, sacaroza, các men amylaza, mantaza, vitamin b, c, lexitin.
Tính vị: Vị ngọt và tính ôn.
Qui kinh: Tỳ, vị và can.
Tác dụng của Mạch nha:
+ Do có các enzym nên mạch nha có tác dụng giúp tiêu hóa, dùng để chữa các trường hợp ăn uống kém tiêu. Thuốc lợi sữa, ngoài ra còn chữa trẻ em đau bụng đi ngoài, lỵ, viêm ruột.
+ Nước sắc mạch nha và hốt bố sau khi cho lên men rượu (dùng Saccharomyces cerevisiae) thì thành rượu bia.
+ Điều vị hoà trung, an thai, chỉ thống, bổ hư, nhuận phế, sinh tân, chỉ khái, nhuận tràng. Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, đau do loét dạ dày tá tràng, viêm khí phế quản, ho khan đờm dính, táo bón.
Chủ trị, phối hợp:
– Khó tiêu biểu hiện như chán ăn và chướng bụng và thượng vị: Dùng mạch nha phối hợp với sơn tra, thần khúc và kê nội cân.
– Tắc sữa hoặc tức vú kèm đau: Dịch sắc của mạch nha nửa sống và nửa rán dùng 2 lần/ngày, 30-60g/lần.
– Ứ khí ở can và vị biểu hiện như phình và đầy ngực và vùng xương sườn, đau thượng vị: Dùng phối hợp mạch nha với sài hồ, chỉ thực và xuyên liên tử.
Liều dùng: 10-15g.
Kiêng kỵ: Không dùng mạch nha trong thời kỳ cho con bú.
Chú ý: Nước ta có dùng hạt thóc tẻ mang mầm làm thuốc với tên Cốc nha. Các lương y vẫn dùng hạt cây Đại mạch không mầm để làm thuốc.