Giỏ hàng

Bạch biển đậu

Dược Liệu Sạch Bạch Biển Đậu

(Semen Lablab)

 Dược Liệu Bạch Biển Đậu Tên khoa học: Semen Lablab

Tên gọi khác: Đậu ván trắng, đậu bạch biển, biển đậu, bạch đậu.

Mô tả cây thuốc Bạch Biển Đậu

Vị thuốc Bạch biển đậu: là dây leo, dài 4-5m, sống nhiều năm nhưng thường chỉ trồng 1 năm. Thân hình trụ, hơi có lông. Lá kép, mọc so le, có 3 lá chét, lá chét hình trái xoan, hình thoi cụt đầu hoặc tù ở gốc, có mũi nhọn, ngắn, dài 5-8cm, rộng 3,5-6cm, mặt trên không lông, mặt dưới có ít lông ngắn, gân gốc 3, cuống lá kép có rãnh, dài 5-7cm, lá kèm rụng sớm, lá kèm nhỏ hình chỉ. Cụm hoa hình chùm, mọc thẳng đứng ở kẽ lá hoặc đầu cành, trên cuống dài 15-25cm, gồm nhiều hoa mầu trắng, thơm.Hoa khá to, thơm, màu trắng hay tím xếp thành chùm ở nách, mỗi mấu có 3 hoa. Quả đậu ngắn, rất dẹt dài 6cm và rộng 2cm, gốc thuôn hẹp, đầu cụt nghiêng có mũi nhọn, cong, mầu lục nhạt, một mép sần sùi. Hạt 4-5 nằm ngang, trắng, vàng, nâu hay đen tùy thứ, dài 8mm, rộng 5-6mm, có mồng ở mép. Mùa hoa vào tháng 4-5, mùa quả: tháng 9-10.

Phân bố: 

Được trồng khắp nơi, ở nông thôn hay trồng nó leo lên cây sung hoặc hàng rào giàn hoa. Các tỉnh trồng nhiều là Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Sông Bé.

Tác dụng & Chủ trị:

+ Bổ ngũ tạng (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Chủ hành phong khí, phụ nữ bị đới hạ, trị trúng độc các loại thảo dược (Bản Thảo Đồ Kinh).

+ Chỉ tiết lỵ, tiêu thử, noãn Tỳ Vị, trừ thấp nhiệt, chỉ tiêu khát (Bản Thảo Cương Mục).

+ An thai (Tùy Tức Cư Ẩm Thực Phổ).

+ Hòa trung hạ khí, bổ tỳ, chỉ khát, lỵ, hóa thấp. Trị bạch đới, bạch trọc, thổ tả, giải độc của rượu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Kiện Tỳ, hóa thấp, hòa trung, tiêu thử. Trị Tỳ Vị hư nhược, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, bạch đới, thổ tả do thử thấp, bụng ngực đầy trướng, Bạch biển đậu sao có tác dụng kiện Tỳ, hóa thấp. Dùng trị Tỳ Vị hư yếu, bạch đới (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

+ Hòa trung, hóa thấp, thanh thử, giải độc. Trị tiêu chảy, đới hạ, bạch trọc, thổ tả do cảm thử nhiệt.(Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Quả non: là nguồn thực phẩm quý, món ăn giầu chất bổ.

+ Quả gìa cho hạt làm thuốc.

+ Bạch biển đậu có tác dụng hạ sốt, kiện Vị, giải co thắt, kích thích sinh dục(Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Thu hái:

Hái hàng năm sau tiết bạch lộ, Quả thường chín vào tháng 9-10 và kéo dài đến mùa đông.Phần dùng làm thuốc: Dùng hạt (Semen Dolichoris) và hoa. Thường dùng thứ nào trắng chắc, không mọt và tốt. Thứ hạt đen hoặc tím không dùng.

Mô tả dược liệu:

Dược liệu Bạch biển đậu: có hạt hình trứng tròn, hai bên trái phải hơi dẹt. Dài khoảng 3,5-4 phân, rộng khoảng 3,5 phân, dày khoảng 2 phân, vỏ hạt màu trắng ngà, có khi có chấm đen, nhẵn, hơi bóng, ở mép có cạnh tù màu trắng nổi lên đó là mầm rốn hình lưỡi liềm dài khoảng 3-4 phân. Bóc đi bỏ hạt có nhân hạt màu vàng sữa, vị nhạt, khi nhai có mùi vị đặc biệt của loài đậu.

Bào Chế:

+ Theo Trung Dược Đại Tự Điển: Lấy hạt Biển đậu có vỏ cứng , để nguyên cả vỏ, sao chín, dùng. Có khi tẩm vào nước sôi cho tróc vỏ, bỏ hết vỏ, dùng.

+ Theo Việt Nam:

– Thường dùng thứ hạt nguyên, có sống, khi bốc thuốc thang thì gĩa dập.

– Dùng chín: Rửa, để ráo nước rồi sao qua cát để khỏi cháy, khi bốc thuốc thang thì gĩa dập.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh ẩm.

Tác dụng dược lý:

+ Kháng Vi Sinh Vật: 100% dịch chiết Bạch biển đậu có tác dụng ức chế khuẩn lỵ. Dùng dịch chiết chích cho chuột nhắt trắng cho thấy chất SK (Đa lựu) có tác dụng kháng lỵ độc (Trung Dược Dược Lý Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

+ Giải Độc: Có tác dụng chống bị ngộ độc thức ăn mà sinh ra nôn mửa, dạ dày viêm cấp và ruột viêm cấp tính. Giải độc rượu, trúng độc cá Nóc [Hà Đồn] (Trung Dược Dược Lý Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

Tính vị:

– Vị ngọt, tính hơi ấm (Biệt Lục).

– Tính hơi hàn (Thực Liệu Bản Thảo).

– Tính bình, không độc (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

– Vị ngọt, tính hơi ấm (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

– Vị ngọt, tính hơi ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh:

– Vào thái âm, phần khí (Bản Thảo Cương Mục).

– Vào kinh túc Thái âm Tỳ, túc Dương minh Vị, phần khí (Bản Thảo Kinh Sơ).

– Vào kinh Tỳ và Vị ( Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

Thành phần hóa học: 

Trong bạch biển đậu có chừng 22,7% chất protein; 1,8% chất béo; 57% cacbon hydrat; 0,046% canxi; 0,052% photpho; 0,001% chất sắt.Ngoài ra còn men tyrosinaza, vitamin A, B2, C và nhiều vitamin B1, axit xyanhydric.Trong Protein của bạch biển đậu, người ta thấy có nhiều axit amin như trytophan, acginin, lyzin và tyrozin.Trong bạch biển đậu có protit, vitamin B1 và C, caroten, đường sacaroza, glucoza, stachyoza, maltoza và raffinoza (C.A., 1968, 68, 66373 i) ngoài ra còn axit L- pipecolic và phytoagglutinnin (C.A., 1967, 66, 83078t và 1969, 71, 28825n).

Liều dùng: Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ:

+ Đang bị chứng thương hàn, hoặc có ngoại tà cấm dùng (Trung Dược Học).

+ Trường vị có trệ, không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Nguồn:

SẢN PHẨM NẤM LIM XANH

Rừng Tự Nhiên 100%
Chế Biến Gia Truyền
Chất Lượng Đảm Bảo
Miễn Phí Vận Chuyển
Hotline Button Zalo Button Location Button Location Button