Hoa Hòe
Tên khác: Hòe hoa, cây Hòe, Hòe.
Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott = Sophora japonica L., họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả cây thuốc:
Hoa hòe là cây gỗ, to, cao có thể đến 15m, thân thẳng có chỏm lá tròn. Cành cong queo. Lá kép lông chim lẻ, có 9-13 lá chét hình trứng, đỉnh nhọn, nguyên dài 3cm rộng 1,5-2,5cm. Cụm hoa hình chuỳ ở đầu cành. Tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Quả loại đậu không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa các hạt.
Bộ phận dùng:
+ Nụ hoa phơi hay sấy khô (Hoè hoa – Flos Styphnolobium japonici = Flos Sophorae japonicae).
+ Quả hoè (Hoè giác – Fructus Sophorae japonicae).
Vị thuốc Hoa hòe là nụ hoa hình trứng có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, dài 3 – 6 mm, rộng 1 – 2 mm, màu vàng xám. Đài hoa hình chuông, màu vàng xám, dài bằng 1/2 đến 2/3 chiều dài của nụ hoa, phía trên xẻ thành 5 răng nông. Hoa chưa nở dài từ 4 – 10 mm, đường kính 2 – 4 mm. Cánh hoa chưa nở màu vàng. Mùi thơm, vị hơi đắng.
Phân bố: Hoè được phát triển trồng nhiều ở Thái Bình, Hà Bắc, Nam Hà, Hải Phòng, Hải Hưng, Nghệ An và gần đây ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Thu hái,sơ chế:
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng cầm máu: Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, sao thành than tác dụng càng tăng.
+ Tác dụng với mao mạch: giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch.
+ Tác dụng của thuốc đối với hệ tim mạch: chích tĩnh mạch chó được gây mê dịch Hoa hòe, huyết áp hạ rõ rệt. Thuốc có tác dụng hưng phấn nhẹ đối với tim cô lập ếch và làm trở ngại hệ thống truyền đạo. Glucosid vỏ hòe có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim cô lập và tim tại thể của ếch. Hòe bì tố có tác dụng làm giãn động mạch vành.
+ Tác dụng hạ mỡ trong máu: Hòe bì tố có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch. Đối với xơ mỡ động mạch thực nghiệm, thuốc có tác dụng phòng trị.
+ Tác dụng chống viêm: đối với viêm khớp thực nghiệm của chuột lớn và chuột nhắt, thuốc có tác dụng kháng viêm.
+ Tác dụng chống co thắt và chống lóet: Hòe bì tố có tác dụng giảm trương lực cơ trơn của đại tràng và phế quản. Tác dụng chống co thắt của Hòe bì tố gấp 5 lần của Rutin. Rutin có tác dụng làm giảm vận động bao tử của chuột lớn, làm giảm bớt rõ rệt ổ loét của bao tử do thắt môn vị của chuột.
+ Tác dụng chống phóng xạ: Rutin làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của chuột nhắt do chất phóng xạ với liều chí tử.
+ Rutin có tác dụng phòng ngừa tổn thương do đông lạnh thực nghiệm: đối với tổn thương độ 3 càng rõ, đối với độ 1 và 2 cũng có tác dụng.
+ Tác dụng chống tiêu chảy: nước Hoa hòe bơm vào ruột của thỏ kích thích niêm mạc ruột sinh chất tiết dịch có tác dụng làm giảm tiêu chảy.
Tác dụng của Hoa hòe: Lương huyết chỉ huyết, thanh can tả hoả.
Công dụng:
+ Nụ hoa hoè sao đen : Các chứng chảy máu, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, dễ cáu gắt.
+ Nụ hoa sống chữa cao huyết áp, đau mắt. Ngày dùng 8 – 16g dạng thuốc hãm hoặc sắc.
+ Chiết xuất rutin, bào chế theo y học hiện đại. (Viên rutin C).
+ Quả hoè có công dụng gần như hoa nhưng có thể gây ra thai.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 8-10g, dạng thuốc hãm hoặc sắc, hoặc dùng 0,5-3g dạng bột hoặc viên. Quả sao tồn tính chữa đại tiện ra máu.
Bài thuốc có Hoa hòe:
1. Chữa các loại xuất huyết, đi lỵ ra máu, bệnh trĩ, đi ngoài ra máu: dùng hoa Hoè (sao qua) 10-15g, hoặc dùng quả Hoè 8-12g sắc uống hoặc dùng hoa hoè sao đen 20g, Địa du sao đen 10g, Diếp cá 12g, nước 300ml, sắc còn 200ml.
2. Chữa người có huyết áp cao, đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, đầu óc căng thẳng, thần kinh suy nhược, mắt đau sợ chói, khó ngủ: Hoè hoa sao, hạt Muỗng sao, hai loại bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10-20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè.
3. Chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da, hay trẻ em thường đổ máu mũi, chảy máu chân răng; trằn trọc khó ngủ: Cũng dùng Hoè hoa sao và hạt Muồng sao, tán bột, ngày dùng 10-20g; hoặc sắc 10g quả Hoè uống.