Mạch Môn
Mô tả cây thuốc Mạch Môn
Mạch môn là loại cây thảo, sống lâu năm, cao 10-40cm, rễ chùm, trên rễ có những chỗ phát triển thành củ mẫm. Lá mọc từ gốc, hẹp, dài 15-40cm, rộng 1-4cm, gốc lá hơi có bẹ. Cán mang hoa dài 10-20cm, hoa màu lơ nhạt, cuống dài 3-5mm, mọc tập trung 1-3 hoa ở kẽ các lá bắc, màu trắng nhạt. Quả mọng màu tím đen, đường kính của quả chừng 6mm. Quả có 1-2 hạt.
Địa lý: Được trồng ở một số nơi, nhiều nhất ở Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Hà Bắc.
Bộ phận dùng:
Củ to bằng đầu đüa, mềm, vỏ trắng vàng, thịt ngọt, không mốc, không bị teo là tốt. Củ cứng, vị đắng thì không nên dùng (Dược Liệu Việt Nam).
Bào chế:
+ Tẩm nước nóng cho mềm, rút bỏ lõi. Muốn tán bột thì sau khi rút bỏ lõi, sao nóng, để nguội, làm như vậy 3-4 lần thì khô dòn, tán bột được (Lôi Công Bào Chích Luận).
+ Chu mạch môn: Lấy Mạch môn cho vào chậu, phun vào ít nước cho hơi mềm. Lấy bột mịn Chu sa rắc đều vào và trộn đều cho mặt ngaòi dính đều bột Chu sa thì thôi. Lấy ra phơi khô là được (Dược Tài Học).
+ Rửa sạch cho nhanh (không ngâm nước lâu), để ráo nước cho se vỏ, dùng nhíp cùn rút bỏ lõi. Củ to thì bổ đôi, phơi khô hoặc sao qua, dùng (Dược Liệu Việt Nam).
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Mạch môn hình giống cái suốt vải, giữa béo mập, tròn, dẹt, không đầu. dài khoảng 1,6-3,3cm, đường kính phần giữa 0,3-0,6cm. Mặt ngoài mầu vàng trắng, nửa trong suốt, có vân dọc mịn. Chất mềm dai, mặt cắt ngang mầu trắng, giống chất sáp, mịn. Giữa có lõi cứng nhỏ, có thể rút ra. Hơi có mùi thơm, vị ngọt, nhai thì dính. Thứ to, màu trắng vàng nhạt, chất mềm, nhai dính là tốt. Thử nhỏ, mầu vàng nâu, nhai ít dính là loại kém. Phần rễ con không dùng làm thuốc (Dược Tài Học).
Tác dụng của Mạch môn:
+ Chỉ ẩu thổ, cường âm ích tinh, tiêu cốc, điều trung, bảo thần, định phế khí, an ngũ tạng, làm cho cơ thể khỏe mạnh, mập mạp (Danh Y Biệt Lục).
+ An thần, chỉ thấu (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
+ Thanh tâm, nhuận phế (Bản Thảo Hối Ngôn).
+ Bổ vị âm, tư tân dịch, giải khát (Bản Thảo Chính Nghĩa).
+ Dưỡng âm, nhuận Phế, thanh tâm, trừ phiền, ích vị, sinh tân (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Nhuận phế, dưỡng âm, ích vị sinh tân, thanh tâm, trừ phiền, nhuận trường (Trung Dược Học).
+ Nhuận Phế, thanh tâm, dưỡng vị, sinh tân (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Chủ trị:
+ Trị khí kết ở ngực và bụng, vị lạc mạch tuyệt, nguời gầy đoản khí, uống lâu nhẹ nguời, không đói, không gìa (Bản Kinh).
+ Trị người nặng, mắt vàng, dưới ngực đầy, hư lao nhiệt, miệng khô, phiền khát (Danh Y Biệt Lục).
+ Trị nhiệt độc, giải phiền khát, trị phù thũng mặt và chân tay… trị phế nuy, nôn ra mủ, tiết tinh (Dược Tính Bản Thảo).
+ Trị ngũ lao thất thương, đầu đau (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
+ Trị tâm phế hư nhiệt (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
+ Trị tâm khí bất túc, hồi hộp, lo sợ, hay quên, tinh thần tán loạn hoặc phế nhiệt phế táo, hơi thở ngắn, hư suyễn, ho ra máu, hư lao, sốt về chiều, hoặc tỳ vị táo, táo bón (Bản Thảo Hối Ngôn).
+ Trị ho ra máu, miệng khô, khát nước, táo bón nơi ngườ lớn tuổi, sau khi sinh (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng dược lý:
+ Thuốc có tác dụng tăng huyết lượng động mạch vành, bảo vệ bệnh thiếu máu cơ tim, cải thiện lực co bóp cơ tim và chống rối loạn nhịp tim, trên thực nghiệm, thuốc còn có tác dụng an thần (Trung Dược Học).
+ Trên thực nghiệm, tiêm bắp cho thỏ nước sắc Mạch môn làm tăng đường huyết, nhưng cũng có báo cáo nói hạ đường huyết (Trung Dược Học).
+ Thuốc có tác dụng ức chế mạnh tụ cầu trắng, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn thương hàn (Trung Dược Học).
+ Tác dụng nội tiết: Dùng nước sắc hoặc cồn chiết xuất Mạch môn pha vào dịch truyền chích cho thỏ, thấy đảo Langerhans phục hồi nhanh, tăng lưọng dự trữ Glycogen so với lô đối chứng (Chinese Hebral Medicine).
+ Tác dụng kháng khuẩn: Bột Mạch môn có tác dụng ức chế Stapylococus albus vaf E. Coli (Chinese Hebral Medicine).
+ Thuốc có tác dụng ức chế mạnh tụ cầu trắng, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn thương hàn… (Trích Yếu Văn Kiện Nghiên Cứu Trung Dược – NXB Khoa Học trung Quốc 1965, 301).
Tính vị:
+ Vị ngọt, tính bình (Bản Kinh).
+ Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy kinh:
+ Vào kinh thủ Thái âm Phế (Thang Dịch Bản Thảo).
+ Vào kinh thủ Thái âm, thủ Thiếu âm (Bản Thảo Mông Thuyên).
+ Vào kinh túc Dương minh, kiêm thủ Thái âm, Thiếu âm (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Vào kinh Tâm, Phế, Vị (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Kiêng kỵ:
+Thận trọng lúc dùng thuốc cho bệnh nhân tiêu chảy (Trung Dược Học).
+ Phế và Vị có nhiệt nung nấu bên trong: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Tỳ vị hư hàn, tiêu chảy hoặc có thấp: kiêng dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Một số bài thuốc có Mạch môn:
1. Thanh nhiệt giải độc: Củ mạch môn sao khô, loại bỏ phần lõi, sau đó hãm uống nước như nước giải khát hàng ngày.
2. Chữa táo bón: Mạch môn 12g, Sinh địa 12g, Huyền sâm 8g. Sắc với 400ml nước, lấy 200ml; chia 3 lần/ ngày; uống trước bữa ăn từ 20-30 phút.
3. Phối hợp với Bán hạ, Đẳng sâm trị lao phổi, viêm phế quản mãn tính, viêm họng mạn, có hội chứng phế âm hư, ho khan, ho kéo dài…
4. Phối hợp với Nhân sâm, Ngũ vị tử: trị suy tim có chứng hư thoát ra mồ hôi nhiều, mạch nhanh huyết áp hạ…