Mẫu Đơn Bì
(Cortex Moutan)
Dược Liệu Mẫu Đơn Bì có tên gọi khác:
Đan bì, đơn bì,Thử cô, Lộc cửu (Bản Kinh), Bách lượng kim (Đường Bản Thảo), Mộc thược dược, Hoa cương, Mẫu đơn căn bì (Bản Thảo Cương Mục), Mẫu đơn bì (Trân Châu Nang), Hoa tướng, Huyết quỷ (Hòa Hán Dược Khảo), Đơn căn (Quán Châu Dược Vật).
Tên khoa học: Cortex Moutan, Cortex Paeoniae Suffuticosae.
Mô tả cây thuốc:
Mẫu đơn bì vỏ rễ của cây Mẫu đơn, là cây thân gỗ sống lâu năm. Có thể cao 1-2m, rễ phát triển thành củ. Lá mọc cách, thường chia thành 3 lá chét, lá chét giữa lại chia thành 3 thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới có lông, màu trắng nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành rất to. Tràng 5 – 6 hay nhiều hơn tùy theo kỹ thuật trồng hay giống chọn lựa, màu đỏ tím hoặc trắng.
Hoa Mẫu đơn
Thu hái, sơ chế:
Mẫu đơn sau khi trồng được 3 năm thì thu hoạch. Vào khoảng tháng 7-11. Thu hoạch Mẫu đơn vào mùa thu năng suất cao hơn mùa hè từ 10-15% và có chất lượng tốt hơn. Sau khi thu hoạch, cắt hết rễ tơ, rửa sạch đất cát, dùng mảnh tre hoặc mảnh thủy tinh cạo sạch lớp vỏ ngoài. Nếu gặp trời mưa thì không cạo vỏ và không rút ruột rễ vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Trong quá trình phơi nắng, tối phải mang vào, không nên xếp thành đống vì làm vậy rễ có vị chua, màu đen, có chất dầu làm giảm chất lượng.
Mô tả Dược liệu:
Vị thuốc Mẫu đơn bì là vỏ rễ khô hình ống hoặc hình nửa ống. Một cạnh thường có vết nứt dọc, hai mép cuộn cong vào trong, dài ngắn không nhất định, dày khoảng 0,3cm. Mặt ngoài màu nâu tro hoặc nâu tía, có vân dọc, có vết sẹo ngang hình tròn dài, hơi lồi, có vết cắt của rễ tơ. Mặt trong màu nâu hoặc mầu vàng tro nhạt, có vân sọc nhỏ, có nhiều chấm ánh bạc (tinh thể). Chất cứng giòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy tương đối phẳng, có bột. Lớp ngoài mầu nâu tro hoặc mầu phấn hồng, lớp trong mầu phấn trắng. Mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, chát, hơi tê lưỡi (Dược Tài Học).
Bào chế:
+ Rửa sạch, dùng dao con rạch một đường theo chiều dọc của rễ, bóc lấy vỏ bỏ lõi, cắt thành đoạn dài 13 – 17cm ngâm vào nước sạch từ 10 – 15 phút, vớt ra sấy khô. Có thể không cạo bỏ vỏ ngoài, chỉ bỏ lõi, khi dùng tẩm nước ủ mềm, xắt lát, phơi khô dùng, có khi tẩm rượu sao qua,hoặc sao cháy tùy đơn thuốc (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Mua về rửa sạch bụi bặm, ủ mềm một đêm, nếu còn lõi thì bỏ đi. Bào lát mỏng phơi trong râm mát. Có thể tẩm rượu, sao cháy tùy theo đơn.
Tính vị: Vị cay, đắng, tính hàn.
Quy kinh: Vào kinh tâm, can, thận.
Thành phần hóa học: Rễ chứa alcaloid, saponin và một chất thuộc nhóm Anthocyanin, tinh dầu, sterol…. Trong vỏ rễ có các chất acetophenon.
Tác dụng của Mẫu đơn bì:
+ Hòa huyết, sinh huyết, lương huyết (Bản Thảo Cương Mục).
+ Phá huyết, hành huyết, tiêu trưng hà, trừ nhiệt ở phần huyết (Trấn Nam Bản Thảo).
+ Thanh nhiệt, lương huyết, hòa huyết, tiêu ứ (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Chủ trị:
+ Trị nhiệt nhập dinh huyết, sốt về chiều, phát ban, can dương vượng lên, kinh nguyệt không đều, đinh nhọt sưng tấy, ứ đau do ngoại thương (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị nhiệt tà thuộc ôn nhiệt bệnh nhập vào phần dinh, phát ban, kinh giật, thổ huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu, kinh bế, trưng hà, trường ung, ung nhọt do ứ huyết đình trệ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều dùng: 8 – 20g.
Kiêng kỵ:
+ Phụ nữ có thai, kinh lượng nhiều không dùng.
+ Âm hư mà hay đổ mồ hôi không dùng.
+ Kỵ Bối mẫu, Đại hoàng, Thỏ ty tử, tỏi.
Bảo quản: Vỏ rễ giòn, dễ dập nát, phải đóng vào thùng gỗ hoặc sọt tre cứng, chống ẩm vì dễ bị sâu mọt phá hoại.