Râu Mèo
Râu mèo là cây thảo lâu năm, cao khoảng 0,5-1m. Thân vuông, thường có màu nâu tím. Lá mọc đối, có cuống ngắn, chóp nhọn, mép khía răng to. Cụm hoa là chùm xim co ở ngọn thân và ở đầu cành. Hoa màu trắng sau ngả sang màu xanh tím. Nhị và nhụy mọc thò ra ngoài, nom như râu mèo. Bao phấn và đầu nhụy màu tím. Quả bế tư. Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.
Phân bố: Cây mọc hoang (ít khi gặp) và được trồng ở nhiều nơi vùng đồng bằng và miền núi.
Cây Râu mèo
Bộ phận dùng: Lá (Folium Orthosiphonis) hay toàn cây trên mặt đất (Herba Orthosiphonis
Thu hái, chế biến Dược liệu: Thu hái vào tháng 3 – 4 trước khi cây có hoa. Phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hoá học:
Cây chứa một glycosid đắng là orthosiphonin, tinh dầu, chất béo, tanin, đường và một tỷ lệ khá cao muối vô cơ, trong đó chủ yếu là muối kali.
Tính vị: Vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát.
Quy kinh: Vào kinh thận, bàng quang.
Tác dụng dược lý:
– Râu mèo làm tăng lượng nước tiểu và thúc đẩy sự bài tiết urê, các chlorua và acid uric.
– Có tác dụng tốt đối với các chứng rối loạn đường tiêu hóa, bệnh thấp khớp, đau lưng, đau nhức khớp xương.
– Còn có tác dụng tốt đối với bệnh xung huyết gan và bệnh đường ruột. Hiệu quả của nó là do tác dụng kết hợp của glycosid với các muối kiềm, các chất giống như tanin của dầu thơm và của một saponin. Dịch chiết bằng nước giàu hoạt chất hơn (28,8%)
Tác dụng của Râu mèo: Lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp.
Công dụng: Thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 5-6g bột dược liệu pha với nửa lít nước nóng, chia làm 2 lần, uống trước bữa ăn 15-30 phút. Thường uống 8 ngày lại nghỉ 2-4 ngày.
Ðơn thuốc có Râu mèo:
+ Viêm thận phù thũng: Râu mèo, Mã đề, Lưỡi rắn trắng, mỗi vị 30g, sắc uống.
+ Sỏi niệu đạo, bệnh đường tiết niệu: Râu mèo, Chó đẻ răng cưa, Thài lài, mỗi vị 30g, sắc uống.