Sài Hồ Nam
(Pluchea pteropoda Hemsl)
Dược Liệu Sài Hồ Nam có tên khác: Lức, lức cây, Sài hồ nam, Nam sài hồ.
Tên khoa học: Pluchea pteropoda Hemsl, thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Mô tả cây thuốc Sài Hồ Nam
Sài hồ nam là cây thảo sống lâu năm, cao 2-5m, mang nhiều cành ở phía trên. Lá mọc so le, hình thìa, mép có răng cưa; phiến lá dày, láng ở mặt trên, nhạt màu ở mặt dưới, có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu, màu đỏ nhạt, hơi tim tím với 4-5 hàng lá bắc. Quả bế có 10 cạnh, có mào lông không rụng.
Phân bố:
Ở Việt Nam, cây thường thấy ở các tỉnh vùng ven biển, nhiều nhất ở khu vực miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nam sài hồ là cây ưa sáng, thường mọc thành khóm riêng lẻ và thích nghi đặc biệt với vùng nước lợ nhưng cây vẫn có thể sinh trưởng tốt ở vùng nước ngọt hoặc những vùng bị nhiễm mặn, đôi khi cũng tạo thành quần thể tương đối điển hình.
Bộ phận dùng, thu hái:
Rễ cây và lá – Radix et Folium Plucheae Pteropodae. Rễ thu hái quanh năm, đào vè cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Có thể tẩm rượu hoặc mật ong sao thơm. Dùng tươi, phơi khô hay nấu thành cao.
Thành phần hoá học: Trong rễ có tinh dầu.
Tính vị: Vị mặn hơi đắng, tính mát.
Tác dụng của Sài hồ nam: Phát tán phong nhiệt, giải uất. Lá làm toát mồ hôi.
Công dụng của Dược liệu:
– Rễ thường được dùng chữa ngoại cảm phát sốt nóng hơi rét, nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu.
– Lá có hương thơm, thường dùng để xông, còn dùng chữa đau mỏi lưng.
Liều dùng, cách dùng: 8-20g ngày dạng thuốc sắc, trà.
Bài thuốc có Sài hồ nam:
Bài 1: Chữa sốt cao kèm đau đầu, khát nước:
Rễ sài hồ nam 20g, Ngũ gia bì 20g, Rau má 16g, Lá tre 12g, Cam thảo dây 12g, Bán hạ nam (sao vàng)12g, Gừng tươi 6g. Tất cả phơi khô, sắc ngày 1 thang, chia uống 2 lần trước khi ăn.
Bài 2: Chữa sốt nóng mùa hè, hoặc cảm sốt, người lúc nóng, lúc rét, khát nước, nhức đầu, đắng miệng, ho, nôn ọe:
Rễ sài hồ nam 10g, Củ sắn dây 12g, Hương nhu trắng 10g, Thanh bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Chè giải cảm:
Lá sài hồ nam 4 phần, Nhân trần 1 phần, Bạc hà 1 phần, Cam thảo nam 1 phần. Hãm uống như hãm trà, mỗi lần 5-10g.
Ghi chú: Hiện nay, nhiều thầy thuốc Đông y ở các tỉnh miền Trung dùng cây sài hồ cát thay cây lức cũng có tác dụng tương tự.
Xem thêm: