Thăng ma – tên khoa học: Cimicifuga heracleifolia. Thăng ma là vị thuốc quý, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Hiện tại hầu hết các cửa hàng thuốc đông dược, phòng khám đông y, phòng chẩn trị y học cổ truyền… đều có bán vị thuốc này.
Thăng ma dùng chữa các chứng sa giáng (sa dạ dày, dạ con, trực tràng…), nhức đầu nóng rét, đau họng, mụn lở trong miệng, tả lỵ lâu ngày, ban sởi không mọc hết.
Chọn nguyên liệu:
Chọn phần rễ của cây thăng ma. Chọn rễ hình trụ tròn cong queo, to, bên ngoài sắc đen, xám, chất cứng, nhẹ khó bẻ gẫy, thịt trong, sắc xanh nhợt là tốt.
Thành phần hóa học:
Thành phần hóa học: chứa cimitin, tanin, acid béo v.v…
Tác dụng:
Theo đông y Thăng Ma có các tác dụng sau:
+ Tính vị – quy kinh: vị ngọt, cay, hơi đắng, hơi hàn. Vào bốn kinh tỳ, vị, phế và đại trường.
+ Tác dụng: tán phong, giải độc, làm cho dương khí thăng lên, thấu được ban, sởi.
+ Chủ trị – liều dùng: trị chứng dịch thời khí, nhức đầu, đau cổ họng lên ban sởi, sang lở, ỉa chảy kéo dài, lòi đuôi trê, phụ nữ băng huyết, bạch đái.
Theo y học hiện đại:
+ Nước chiết xuất Thăng ma có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm, chống co giật, giải độc.
+ Ức chế tim: làm chậm nhịp, làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, ức chế ruột và tử cung cô lập có thai nhưng hưng phấn bàng quang và tử cung không có thai.
+ Thuốc có tác dụng vi khuẩn lao và một số bệnh nấm ngoài da.
Dùng Thăng Ma làm thuốc
Lưu ý: Trên thịnh, dưới hư, âm hư hỏa vượng kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, ủ mềm thái lát mỏng phơi khô (dùng sống); có khi tẩm rượu dùng.
Theo Trung y: Đem thành phẩm ngâm nước độ 1 giờ, bỏ vào nồi đậy kín ủ một đêm rồi thái lát phơi khô dùng sống hoặc tẩm mật sao qua dùng.
Bảo quản:
Thăng Ma dễ mốc mọt nên phải phơi khô, để nơi khô ráo, kín, trong lọ có lót chất hút ẩm (vôi sống, silicagel…).