Gần đây tôi thường xuyên cảm thấy khó chịu và xuất hiện nhiều dấu hiệu lạ như mất ngủ, ăn uống không ngon. Không yên tâm về sức khỏe nên tôi đã đi xét nghiệm máu và nhận được các chỉ số sau: TSH = 0.0055 uIU/ml, FT4 = 1.86 ng/dL. Bác sĩ kết luận là tôi bị hội chứng cường giáp và cho tôi uống thuốc Thyrozol 5mg, ngày 2 viên.
Thấy cổ mình to hơn trước nên tôi hỏi bác sĩ đang điều trị cho mình nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Em đừng quá lo lắng”. Trước đó, vào tháng 7-2010, tôi đi xét nghiệm lại máu thì có kết quả TSH = 0.0099 uIU/ml, FT4 = 1.02 ng/dL và tôi tiếp tục uống thuốc mà bác sĩ đã cho. Đến tháng 5-2011 xét nghiệm máu thì lại có kết quả TSH = 35.2531 uIU/ml, FT4 = 0.52 ng/dL và như tôi được biết thì nếu TSH tăng cao tức là tôi đang rơi vào tình trạng suy giáp. Và lần này bác sĩ lại kê toa ngày uống 1 viên Thyrozol.
Tôi không biết bệnh viện nơi tôi đang chữa bệnh đã điều trị bệnh cho tôi đúng hướng chưa nên bây giờ tôi đang rất hoang mang? Tôi không biết bệnh này có ảnh hưởng đến sức khỏe và chuyện sinh em bé không? Tôi mong sẽ nhận được sự hồi đáp sớm nhất của bác sĩ.
Trả lời của Th.s, BS Trần Thế Trung:
Từ tháng 5-2010 đến nay là vừa tròn 1 năm bạn được chẩn đoán cường giáp. Những điểm chính về tình trạng của bạn được tóm lược như sau:
– Với kết quả của 2 lần xét nghiệm trên chỉ số chỉ số FT4 cao, cùng với chỉ số TSH rất thấp trước khi điều trị thì bạn đã được chẩn đoán cường giáp là phù hợp dù cho bạn không mô tả biểu hiện triệu chứng của bạn là gì.
– Tuy chưa có câu trả lời cho câu hỏi: Nguyên nhân của tình trạng cường giáp là gì? Nhưng hầu hết các trường hợp ở phụ nữ trong độ tuổi như bạn thì nguyên nhân là do bệnh Graves (thường được gọi là bệnh Basedow).
– Thuốc Thyrozol (có tên gọi khác là Thiamazole hay được chất là Methimazole) là một lựa chọn hợp lý cho việc điều trị cường giáp. Ngoại trừ một số ít tình huống đặc biệt vì chống chỉ định nên thuốc này không thể dùng được thì đây là loại thuốc để điều trị khởi đầu cho tất cả các trường hợp cường giáp.
– Với tình trạng không kiểm soát ổn định được cường giáp thì đó là điều “trục trặc” xảy ra đối với bạn. Kết quả xét nghiệm gần đây nhất là vào tháng 5-2011 là chỉ số TSH tăng cao và chỉ số FT4 giảm thấp, cho thấy bạn đã chuyển từ trạng thái cường giáp lúc đầu sang trạng thái suy giáp và kèm theo bướu giáp to.
Đây cũng là “trục trặc” trong điều trị hội chứng cường giáp thường xuyên xảy ra. Thuốc Thyrozol bạn đang dùng và tất cả các loại thuốc kháng giáp khác đều có tác dụng kiềm chế sự sản xuất các hóc-môn của tuyến giáp. Nhưng nếu điều trị “quá tay” như dùng quá liều, kéo dài, vượt quá mức cần thiết sẽ gây ra suy giáp giống như đã xảy ra với bạn bây giờ.
Tuy nhiên, với việc dùng thêm các loại thuốc khác nếu cần và điều chỉnh lại liều thuốc thì tình trạng suy giáp này chỉ là thoáng qua và sẽ nhanh chóng hồi phục nên bạn đừng quá lo lắng. Khi hết suy giáp thì tuyến giáp thường sẽ nhỏ bớt.
Để hạn chế xảy ra suy giáp, các bác sĩ cần phải cân nhắc liều lượng sao cho phù hợp và điều quan trọng hơn cả là người bệnh phải đi tái khám đúng hẹn và đều đặn 4-8 tuần. Bác sĩ có cơ hội đánh giá lại tình hình bệnh và điều chỉnh phù hợp lượng thuốc khi người bệnh đến tái khám.
Việc sử dụng với liều lượng cao – 2 viên thyrozol một ngày và dùng trong một thời gian dài mà không theo dõi, xét nghiệm chính là nguyên nhân dẫn đến những “ trục trặc” cho bạn.
Vì vậy, cách khắc phục đơn giản nhất chính là từ nay về sau bạn cần phải tái khám đều đặn hơn, và tất nhiên bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm, theo dõi tình trạng bệnh của bạn. Nếu được như vậy thì có thể bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe.
12 tháng là thời gian tối thiểu để điều trị bệnh Graves, còn sau đó thì phải tùy theo biểu hiện để có thể ngưng thuốc hay tiếp tục hoặc dùng các biện pháp khác, nhưng đối với việc ngưng thuốc thì bệnh rất thường hay tái phát. Vì vậy, sự theo dõi cần phải được duy trì lâu dài sau khi ngưng thuốc.
Một khi bệnh đã ổn định thì việc sinh con sẽ giống như người bình thường (không còn cường giáp cũng không suy giáp). Do vậy, việc uống thuốc trong khi mang thai cũng không có điều gì nghiêm trọng, miễn sao dùng đúng loại thuốc và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân, cần đi khám trước khi có thai, ngay khi biết có thai và định kỳ trong suốt thời gian mang thai (mỗi 1- 2 tháng) để bác sĩ có thể theo dõi được sát sao và đảm bảo tốt nhất tình trạng bệnh lý cũng như sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Theo Tuổi trẻ online