Sốt xuất huyết là bệnh do virus xuất hiện ở vùng nhiệt đới gây ra. Tại Việt Nam bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 9 ở miền Trung, cao nguyên và miền Nam.
Vào tháng 7, 8 vừa rồi, nhiều ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết hoành hành dữ dội tại các tỉnh cao nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông,… TP.HCM cũng đang bị dịch sốt xuất huyết tấn công. So với năm ngoái, năm nay bệnh sốt xuất huyết tăng hơn nhiều.
Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng gì?
– Sốt: sốt đột ngột xuất hiện và cao hơn 39 độ C, sốt cao trở lại sau vài giờ sử dụng thuốc hạ sốt (paracetamol). Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết gây đau đầu, đau mỏi cơ, không ho, không chảy mũi nước.
– Chảy máu: thường có hình thức xuất hiện đa dạng như vết xuất huyết, chấm xuất huyết, mảng xuất huyết ở nhiều nơi như mũi (chảy máu cam), miệng (nôn ra máu), chảy máu nướu, đường tiêu hóa (nôn ra máu, đi cầu phân đen), chảy máu ở kết mạc mắt. Có thể chảy máu ở não, thận, tim và phổi.
Một số triệu chứng cảnh báo bệnh sốt xuất huyết chuyển biến nặng
Từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển sang diễn biến nặng với 6 triệu chứng sau:
– Hạ nhiệt độ: bệnh nhân đang trong tình trạng sốt cao liên tục thì đột ngột hạ nhiệt độ, tay chân lạnh vã mồ hôi.
– Toàn thân rơi vào tình trạng mê sảng, li bì và bứt rứt.
– Đau bụng ở vùng hạ sườn phải (trước đó không đau hoặc đau ít).
– Da có hiện tượng bị lạnh, ẩm, lúc đỏ lúc tái. Môi tím tái (ở trẻ em).
– Bị nôn nhiều và có thể nôn ra máu, đi cầu bị phân đen.
– Sốc: mạch nhanh, nhỏ và khó bắt. Huyết áp tụt hay kẹp.
Trước tình cảnh của bệnh, thầy thuốc có thể sẽ quên những triệu chứng ở mắt, đặc biệt là khi chúng không gây đau nhức. Dấu hiệu nặng nhất của bệnh có thể gây ra là chảy máu trong nhãn cầu.
Những vị trí có thể bị xuất huyết
Xuất huyết dịch kính: Người bệnh không có cảm giác đau nhức mắt. Khi che mắt lành lại, thì mắt đau chỉ còn nhìn thấy khoảng tối đen hoàn toàn. Mắt chỉ có thể phân biệt được sáng, tối.
Xuất huyết võng mạc: Nhãn cầu nhìn bên ngoài thì có vẻ không có gì xảy ra nhưng ở bên trong, máu có thể rỉ ra từ những mạch máu của võng mạc. Thị lực của bệnh nhân giảm nhiều hay ít tùy theo lượng máu chảy ra và tùy vị trí xuất huyết.
Cần phải có thầy thuốc chuyên khoa và máy soi đáy mắt mới có thể nhận biết được hai loại xuất huyết trên. Thỉnh thoảng có thể thấy viêm giác mạc, viêm mống mắt.
Trong thời gian đang được theo dõi bệnh, nếu bệnh nhân cảm thấy bị mờ mắt thì tốt hơn hết hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt khám ngay. Nếu bị xuất huyết dịch kính hoặc xuất huyết võng mạc mà được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tốt hơn là để bệnh kéo dài rồi mới chữa.
Theo Người lao động